Phục hồi vận động sau đột quỵ não

12-07-2017 14:15 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân như: liệt, nói ngọng, méo miệng, thậm chí tử vong.

Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân như: liệt, nói ngọng, méo miệng, thậm chí tử vong. Do vậy, việc phục hồi chức năng sau đột quỵ não có vai trò rất lớn, giúp bệnh nhân trở về với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Dấu hiệu của bệnh đột quỵ não

Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà dường như không có triệu chứng báo trước hoặc các triệu chứng báo trước mơ hồ, chung chung (như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng...). Một số bệnh nhân có các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là các cơn tê yếu nửa người xuất hiện và mất đi trong vòng 24 giờ. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dự phòng được đột quỵ não. Để làm được điều này, quan trọng là phải phát hiện được và khống chế các yếu tố nguy cơ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ:

Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt. Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi cười. Cảm giác tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được. Nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được. Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

Nhức đầu dữ dội: Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là ở những người có tiền sử bị đau nửa đầu. Khi thấy một người có các triệu chứng kể trên, người nhà nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí. Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Ảnh: TM

Điều gì xảy ra sau khi bị đột quỵ?

Các biến chứng thường gặp sau cơn đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào vị trí não bị tổn thương theo nhiều mức độ khác nhau. Có bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Ngược lại, có những bệnh nhân lại bị di chứng về thần kinh như liệt nửa người hay là bị cấm khẩu. Các biến chứng này có thể không biểu hiện rõ ràng ngay lập tức mà vài tuần hoặc vài tháng sau khi người bệnh bị đột quỵ. Hầu hết các biến chứng đều liên quan đến thần kinh cùng với thể chất và cảm xúc. Thậm chí hiệu ứng cảm xúc có thể lan đến người nhà vì lo ngại cho sức khỏe của người thân và tiên lượng để phục hồi.

Những biến chứng về thần kinh thường gặp nhất khi đột quỵ xảy ra là người bệnh bị mất khả năng  ngôn ngữ, khó nuốt, khó đọc, mất khả năng viết và liệt nửa người (suy nhược một bên cơ thể). Nếu đột quỵ xảy ra ở động mạch cảnh trong, người bệnh có thể bị đau đầu liên tục, suy nhược cơ thể, tê liệt, mờ mắt, mất ngôn ngữ, khó nuốt, méo miệng và rủ mí mắt. Nhiều trường hợp bị biến chứng có thể là lú lẫn, tê yếu ở phần cơ thể bị ảnh hưởng, liệt chân hoặc bàn chân.

Cơn đột quỵ ở trung tâm trong các động mạch đốt sống thân nền thường gây chóng mặt, yếu một bên cơ thể, thị lực thay đổi, khó nuốt, nói lắp, mất trí nhớ và các cơ bắp phối hợp hoạt động kém. Ngoài ra, sau đột quỵ nhiều bệnh nhân bị giảm thị giác, vị giác, thính giác và khứu giác kém, hôn mê và thậm chí là mù lòa.

Cần phục hồi vận động sớm

Mới đây nhất, theo thống kê số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90%, với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè,... Trong số đó, chỉ 25 - 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết bệnh nhân đột quỵ bắt đầu tập phục hồi chức năng quá muộn (đa số là sau 1-2 tuần kể từ thời điểm xuất hiện đột quỵ). Chính vì vậy, quá trình phục hồi có thể được đẩy nhanh hơn nhờ sự quyết tâm của người bệnh và sự can thiệp của các chuyên gia y tế.

Hiệu quả của việc điều trị phục hồi chức năng tùy thuộc nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ, vị trí. Có bệnh nhân bị xuất huyết não nhưng ở vị trí không quan trọng, sau 2 năm phục hồi có thể đạp xe, đi chợ bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh cần được phục hồi chức năng sớm, liên tục. Ngoài ra, các yếu tố quyết định phục hồi là tuổi của bệnh nhân, nếu trẻ thì có xu hướng hồi phục tốt hơn. Các bệnh lý kèm theo như suy tim, loạn nhịp hoàn toàn hoặc ung thư... hay không. Khi đột quỵ xảy ra có được điều trị sớm hay muộn.

Chính vì vậy, Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến cáo những liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. Quá trình phục hồi vận động diễn ra phần lớn trong 3-6 tháng đầu và có thể tiếp tục đến 2 năm hoặc hơn.

Khả năng phục hồi sau đột quỵ

Theo các nhà nghiên cứu, hồi phục sau một cơn đột quỵ là một quá trình xảy ra tự nhiên. Một phần ba bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi các chức năng vận động một cách hoàn toàn, 1/3 cải thiện chức năng vận động 1 phần và 1/3 còn lại không có cải thiện. Vì vậy, sau đột quỵ, nếu bắt đầu điều trị phục hồi các chức năng vận động tại thời điểm sớm nhất khi có thể thì người bệnh sẽ giảm các biến chứng do nằm lâu. Sau đột quỵ, nên bắt đầu điều trị phục hồi các chức năng vận động tại thời điểm sớm nhất khi có thể. Mục tiêu của việc tập phục hồi chức năng với sự trợ giúp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bao gồm: Phục hồi các chức năng vận động tại phần cơ thể bị liệt: tập ngồi, đứng, đi bộ... Phục hồi các chức năng khác: ăn uống (chức năng nuốt), ngôn ngữ giao tiếp, tự thay quần áo, tắm rửa...Cải thiện các rối loạn về mặt tâm thần, cảm xúc.


BS. Nguyễn Tuấn Khanh
Ý kiến của bạn