(Nguyên Xuân Huyên - Đồng Nai)
Có nhiều lý do hấp dẫn để chúng ta phải bù đắp lại sự mất nước và phục hồi lại năng lượng ngay sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Cơ sở của biện pháp này được bắt đầu từ cách nay hơn 40 năm khi mà người ta phát hiện ra việc tập luyện mức độ trung bình đến cao liên quan đến giải phóng glycogen ở cơ và gây mệt mỏi cơ khi lượng glycogen này thấp. Khi thi đấu thì “kho glycogen” sẽ cạn dần, sau khi thi đấu phải bổ sung lại. Chúng ta biết glycogen tích lũy ở cơ bắp và phóng thích ra máu để tạo thành glucose là năng lượng chính cho hoạt động.
Nhiều bằng chứng cho thấy nếu dùng ngay chất carbohydrat sau vận động thì 6 giờ sau sẽ có mức glycogen cao hơn nếu so sánh với trường hợp chỉ dùng carbohydrat 2 giờ sau vận động. Cơ bị tổn thương do vận động thì không hồi phục được dự trữ glycogen so với cơ không tổn thương, có lẽ là do sự kháng insulin thoáng qua. Cần phải có nhiều nghiên cứu thêm nhằm đưa ra khuyến cáo cho việc dùng carbohydrat và protein ngay sau vận động. Nếu dùng quá nhiều chất cồn trong buổi tối trước ngày thi đấu thì có thể gây tác động bất lợi về “sức mạnh” và hồi phục nhận thức sáng hôm sau. Một lý do khác của việc không nên dùng chất có cồn là do tính chất lợi tiểu sẽ gây ra mất nước.
Mối liên quan giữa giấc ngủ và hồi phục sau vận động, đặc biệt liên quan đến thành tích đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chúng ta đã biết mối liên quan giữa chức năng nhận thức giấc ngủ và chức năng chuyển hóa. Người ta khuyến cáo vận động viên phải ngủ ít nhất 7 - 9 giờ mỗi đêm. Dựa trên hiểu biết về giấc ngủ và sự ảnh hưởng của nó đến sự hồi phục cũng như sự tích lũy, có lý do để tin rằng “giấc ngủ trưa quyền lực” trong ngày sẽ có hiệu quả đối với vận động viên. Giấc ngủ trưa này được kéo dài dưới 1 giờ, giúp cải thiện sự nhanh nhạy, năng suất và sảng khoái.