Phục hồi kinh tế sau đại dịch nhìn từ Bình Dương và vùng Nam Bộ: Coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính quyền

20-12-2022 20:00 | Thời sự
google news

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, thích ứng với đại dịch, Bình Dương đã thực hiện tốt cơ chế đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ và xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học "Công tác phòng, chống COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội (KT-XH): Từ thực tiễn tỉnh Bình Dương và vùng Nam bộ.

Tham dự và điều hành hội thảo có GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Hội thảo cũng có sự tham gia của 120 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ các sở ngành của các tỉnh vùng Nam bộ.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch nhìn từ Bình Dương và vùng Nam Bộ: Coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính quyền - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học "Công tác phòng, chống COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội: Từ thực tiễn tỉnh Bình Dương và vùng Nam bộ

4 thành công nổi bật trong và sau dịch

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh: "Hội thảo đề cập đến hai nội dung có mối quan hệ qua lại, gắn kết, khó tách rời nhau trong bối cảnh hiện nay của Bình Dương và vùng Nam bộ. Nếu không phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành công thì không thể thực hiện công tác phục hồi KT-XH ở tỉnh Bình Dương và vùng Nam bộ. Và ngược lại, muốn phục hồi KT-XH thì cần ngăn ngừa sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19".

Phục hồi kinh tế sau đại dịch nhìn từ Bình Dương và vùng Nam Bộ: Coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính quyền - Ảnh 2.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 146 bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu

GS.TS Lê Văn Lợi mong muốn các nhà khoa học, cán bộ các sở ngành trực thuộc các tỉnh, thành tập trung phân tích những thành công, hạn chế, nguyên nhân từ thực tiễn để đề ra các giải pháp cho quá trình phục hồi kinh tế ở Bình Dương và các tỉnh vùng Nam bộ.

Đại dịch COVID-19 ập đến đã và đang tác động sâu rộng đến các tầng lớp xã hội, các ngành, các lĩnh vực; gây ra những bất ổn về KT-XH, xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam vừa thống nhất với các nguyên tắc của Tổ chức Y tế thế giới vừa mang đặc điểm riêng của dân tộc - vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi KT-XH. Trong gần 2 năm cả nước chống dịch với các giải pháp chưa có tiền lệ, vừa làm vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, có những thời điểm, phương pháp phòng, chống dịch bệnh chưa phù hợp với thực tiễn nhưng đã được điều chỉnh kịp thời.

Trong cuộc chiến đầy cam co này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Bộ Y tế, Bình Dương và vùng Nam bộ đã linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch bệnh theo diễn biến thực tế, đáp ứng yêu cầu cấp bách vì mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Nhìn lại quá trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi KT-XH ở Bình Dương và vùng Nam bộ có thể nhận thấy 4 thành công nổi bật, cơ bản là: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã huy động được sự tham gia của các chủ thể ở địa phương; tinh thần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chú trọng bảo vệ sức khỏe của người dân; công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi; sự chủ động, linh hoạt của các tỉnh trong triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm phục hồi KT-XH ở địa phương.

Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đề cập: Để tạo điều kiện cho các DN phục hồi, thích ứng với đại dịch, Bình Dương đã thực hiện tốt cơ chế đối thoại, đồng hành với DN, tăng cường hỗ trợ DN và xem khó khăn của DN là khó khăn của chính quyền tỉnh. Do đó, tỉnh thành lập Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tỉnh cũng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng chiếm trên 99%.

Cùng đồng hành: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Hội thảo được chia thành 2 phiên với 8 tham luận, ý kiến trao đổi tại hội trường tập trung vào sự thành công, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi KT-XH ở Bình Dương và vùng Nam bộ.

Trước đó, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 146 bài tham luận của các đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ các sở ngành trực thuộc các tỉnh vùng Nam bộ với 7 nội dung.

Cụ thể gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19; sự huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cộng đồng và giá trị văn hóa trong phòng, chống dịch bệnh; các biện pháp hành chính bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác hậu cần; chiến lược y tế; công tác truyền thông; giải pháp an sinh xã hội và các biện pháp phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.

Phục hồi kinh tế sau đại dịch nhìn từ Bình Dương và vùng Nam Bộ: Coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính quyền - Ảnh 3.

Liên hoan Ẩm thực tỉnh Bình Dương lần thứ IV, năm 2022 thu hút được nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hội thảo đã được nghe phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo của GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 8 bài tham luận và ý kiến trao đổi tại hội trường.

Theo chủ đề hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã đi sâu phân tích, luận giải làm sâu sắc thêm nhiều nội dung quan trọng đúc kết từ thực tiễn, như: Kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Bình Dương; những khó khăn, thách thức trong xây dựng chiến lược y tế ở Long An; thực trạng, giải pháp thực thi chính sách bảo hiểm xã hội ở TP.Hồ Chí Minh trong bối cảnh đại dịch; vai trò công an xã, phường, ban bảo vệ dân phố đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; mô hình tăng trưởng mới sau đại dịch COVID-19, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; vai trò của công nghệ trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang "bình thường mới" trong và sau đại dịch; COVID-19 và vấn đề quản lý nhân lực bền vững trong bối cảnh mới và gợi ý cho tỉnh Bình Dương.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu tất cả ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu; trên cơ sở đó tổ chức biên tập, chỉnh lý, bổ sung làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi KT-XH.



Hoài Anh
Ý kiến của bạn