Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, ngày 20/7, đơn vị tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.N.T.V. (5 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) bị chó cắn rách vùng mặt rất nặng.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, vào khoảng 17h ngày 20/7, khi bé V. ngồi chơi trước cửa nhà, thì bất ngờ bị con chó ở đâu chạy đến cắn xé vùng mặt, đầu. Sau đó gia đình đưa trẻ đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.
V. nhập viện trong tình trạng da vùng trán, quanh mắt trái bị cắn mất 1 mảng da to chừng 8x6 cm (khoảng gần nửa lòng bàn tay người lớn). Phần lông mày bên trái của V. bị mất hẳn, đi kèm vết thương dài khoảng 10cm phía trên đầu.
"Mặc dù người nhà có nhặt lại được 1 phần miếng da bị chó cắn rách rời ra với hi vọng có thể khâu lại được cho cháu, nhưng do thời gian từ khi bị chó cắn đến khi vào viện khá lâu (3 tiếng), chưa kể miếng da bị đứt rời, bẩn, nên nếu ghép vào sẽ có nguy cơ hoại tử. Đứng trước 1 khuyết hổng lớn vùng mặt, kíp mổ quyết định tiến hành lóc da phần đầu và trán 2 bên ra, chuyển vạt tại chỗ." – BS. Nguyễn Quang Hà, khoa Răng – Hàm - Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết.
Với sự phối hợp giữa Khoa Răng hàm mặt và khoa Gây mê hồi sức, các bác sĩ đã tiến hành cắt tóc, rửa vết thương, cắt lọc, tạo hình... Sau gần 4 tiếng đồng hồ, ca mổ đã được thực hiện thành công.
Sau phẫu thuật, mắt bệnh nhi V. không bị co kéo nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của mắt. Các bác sĩ cũng yêu cầu gia đình cho V. tiêm phòng vaccine dại và uốn ván.
Đây là một trong nhiều bệnh nhi bị chó tấn công phải nhập viện Sản nhi cấp cứu trong thời gian qua.
Các bác sĩ khuyến cáo, để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như cháu V. các gia đình nuôi chó cần nhốt vật nuôi cẩn thận, không thả rông chó, khi đưa chó ra đường cần rọ mõm... Đối với người dân khi bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Tự Ý Sử Dụng Thuốc Đông Y Chữa Bệnh Thận Không Qua Chỉ Định: Bác Sĩ Nói Gì? | SKĐS