Cúm không chỉ là cơn sốt, sổ mũi, ho hay đau nhức toàn thân. Nó còn là cuộc chiến thực sự giữa hệ miễn dịch và virus. Dù triệu chứng cấp tính đã thuyên giảm, nhưng cơ thể bạn vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sâu, nơi các mô tổn thương được tái tạo, hệ miễn dịch điều chỉnh lại trạng thái, và mức năng lượng dần trở về bình thường. Đó là lý do vì sao nhiều người sau cúm vẫn có các triệu chứng như:

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội.
- Mệt mỏi, kém tập trung
- Ngủ không sâu giấc
- Chán ăn hoặc ăn không tiêu
- Ho kéo dài, đặc biệt nếu có tổn thương đường hô hấp
- Đau cơ, nhức đầu dai dẳng
- Dễ nhiễm bệnh trở lại
Làm gì để phục hồi sau cúm?
Sau cúm, cơ thể cần thời gian để phục hồi và đòi hòi bạn phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Điều này giúp cơ thể phục hồi nhanh và bạn sớm trở về trạng thái bình thường sớm nhất. Sau đây là những nguyên tắc đơn giản để bạn phục hồi cơ thể hiệu quả sau cúm:
1. Nghỉ ngơi đúng cách
Nhiều người nghĩ rằng nghỉ ngơi là nằm nhiều, tuy nhiên không phải cứ nằm là tốt. Bạn cần phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý bằng cách:
- Ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm và ưu tiên việc ngủ sâu giấc
- Hạn chế làm việc quá sức ngay sau khi vừa cúm, ốm dậy. Đặc biệt cần lưu ý với những hoạt động thể lực quá nặng hoặc căng thẳng tinh thần.
- Nếu có thể hãy sắp xếp khoảng 20-30p nghỉ trưa mỗi ngày.
Sau cúm, cơ thể bạn cần năng lượng để sửa chữa các tế bào. Việc nghỉ ngơi chất lượng, khoa học sẽ giúp hệ miễn dịch hoàn tất được quá trình phục hồi.

Sau cúm, cơ thể bạn cần được phục hồi đúng cách để lấy lại sức khỏe nhanh hơn và phòng ngừa nguy cơ tái phát hoặc các biến chứng về sau.
2. Dinh dưỡng phục hồi cơ thể
Dinh dưỡng là một cách để bạn chữa lành. Các nhóm thực phẩm sau sẽ giúp bạn hồi phục cơ thể nhanh sau cúm:
- Nhóm protein chất lượng cao: thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu phụ giúp phục hồi mô tổn thương.
- Rau xanh và trái cây tươi: cung cấp vitamin C, E, A – chống oxy hóa và giảm viêm.
- Uống đủ nước: tối thiểu 2 lít/ngày để làm sạch cơ thể, hỗ trợ trao đổi chất.
- Men vi sinh tự nhiên: như sữa chua, kim chi… giúp khôi phục hệ vi sinh đường ruột – một "trạm miễn dịch" quan trọng.
Bạn có thể bổ sung các món ăn sau vào thực đơn hàng ngày: Cháo gà, canh rau ngót thịt băm, trứng luộc, sữa tươi không đường và trái cây theo mùa.

Sau khi cúm bạn nên vận động nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng.
3. Vận động nhẹ nhàng
Sau cúm cơ thể vẫn còn mệt mỏi nhưng bạn không nên nằm quá nhiều. Thay vào đó nên vận động nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga, giãn cơ – khoảng 15–30 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó bạn có thể hít thở sâu – thở chậm giúp tăng oxy phổi và giảm căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên cần lưu ý tránh tập nặng, nhất là khi vẫn còn ho hoặc cảm thấy mệt mỏi bất thường.
Việc vận động hợp lý giúp máu lưu thông, tăng cường khả năng hồi phục và cải thiện tâm trạng.
4. Tăng cường miễn dịch cho cơ thể
Sau cúm, cơ thể cần được tái thiết lập lại hệ miễn dịch. Lúc này bạn cần bổ sung cho cơ thể các dưỡng chất tốt cho hệ miễn dịch như:
- Bổ sung vi chất nếu cần: kẽm, vitamin D, C (theo hướng dẫn của bác sĩ).
- Tránh rượu bia, thuốc lá – những chất gây ức chế miễn dịch.
- Duy trì tâm trạng tích cực. Vì stress, căng thẳng kéo dài có thể làm chậm hồi phục miễn dịch.
Bên cạnh đó bạn không nên chủ quan mà vẫn cần theo dõi triệu chứng kéo dài. Nếu bạn có những dấu hiệu sau kéo dài > 10 ngày, hãy đi khám:
- Ho không dứt, thở hụt hơi
- Đau đầu kéo dài
- Mệt mỏi nghiêm trọng
- Sụt cân không rõ lý do
- Có bệnh nền như hen, COPD, tim mạch, đái tháo đường
Một số người có thể phát triển hội chứng hậu virus, hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn sau cúm – đặc biệt nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Cúm không đơn giản như ta thường nghĩ, và giai đoạn sau cúm là lúc cơ thể cần được chăm sóc đặc biệt. Việc phục hồi đúng cách không chỉ giúp bạn lấy lại sức khỏe nhanh hơn mà còn phòng ngừa nguy cơ tái phát hoặc các biến chứng về sau.
Xem thêm video được quan tâm:
Cúm A - Những đối tượng nào có nguy cơ trở nặng khi nhiễm bệnh? | SKĐS