Phục hồi chức năng tổn thương não cần sớm và kiên trì

23-10-2020 15:20 | Y học 360
google news

SKĐS - Tổn thương não (gồm tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, mổ u não...) không chỉ để lại di chứng rất nặng nề cho chính người bệnh mà còn gây tâm lý bất ổn cho người nhà bệnh nhân. Những tổn thương này tuy ở mức độ khác nhau, nhưng lại dẫn đến tàn tật nhiều nhất.

Tổn thương não không chỉ dừng lại ở tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não mà tổn thương não còn là nguyên nhân gây ra bại não ở trẻ em. Đây là một trong những tổn thương phức tạp, nhiều khó khăn trong công tác điều trị, phục hồi.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thời gian qua đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi bị bại não. Bé N.A (hơn 3 tuổi, Anh Sơn, Nghệ An) bị bại não hơn 2 năm nay. Bố của bé - anh Hải cho biết: Lúc A. mới được 2 tháng tuổi, trong lúc đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng động của chiếc xe phanh gấp gần nhà. Sau đó, bé ngủ tiếp, nhưng khi tỉnh dậy, A. gồng người và có biểu hiện không bình thường, phải đưa vào điều trị tại bệnh viện. Nhưng điều trị ở tuyến dưới khá lâu, tiến triển chậm nên anh Hải quyết định chuyển con đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Tại đây, bé được bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị riêng phù hợp với sức khỏe.

Phục hồi chức năng tổn thương não cần sớm và kiên trìPhục hồi chức năng cho người bệnh.

ThS.BS. Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, sau tổn thương não, việc phục hồi chức năng sẽ tùy thuộc vào mức độ tàn tật và khả năng hoạt động chức năng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người và phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc người khác thì việc tập luyện là những bài tập thụ động do người chăm sóc giúp đỡ hoặc điều dưỡng viên vật lý trị liệu. Người bệnh cần tập vận động, phục hồi chức năng càng sớm càng tốt là cách duy nhất giúp bệnh nhân giảm các di chứng, biến chứng sau tổn thương não.

Sau khi xảy ra tổn thương não, người bệnh nên tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, việc tập luyện phục hồi chức năng sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn.

Mục tiêu chung là nhằm giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động có thể di chuyển được, phục hồi chức năng ngôn ngữ như nghe, nói, hiểu được, sớm hòa nhập với cuộc sống. Di chứng sau tổn thương não để lại khiến cho bệnh nhân khó có thể vận động, đi lại. Để giảm bớt các di chứng và phòng bệnh tái phát, khi trở về nhà sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân vẫn phải được chăm sóc và điều trị theo phác đồ riêng.

GS. Cao Minh Châu - Trưởng Bộ môn Phục hồi chức năng (Đại học Y Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bạch Mai khuyến cáo, thông thường, bệnh nhân tổn thương não phục hồi khá tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn ở 3 tháng tiếp theo, ngoài 6 tháng thì phục hồi rất chậm. Do đó, phục hồi chức năng sau tổn thương não đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì tập luyện và tuân thủ theo liệu trình hỗ trợ điều trị của cơ sở y tế. Người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình hỗ trợ điều trị.


Thái Anh
Ý kiến của bạn