Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

31-12-2019 09:16 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Đột quỵ, câu chuyện không phải mới nhưng chưa bao giờ cũ, vì tỷ lệ mắc cũng như sự trẻ hoá của mặt bệnh này đã và đang đặt ra những gánh nặng cho chăm sóc y tế cũng như an ninh xã hội.

Những phương pháp điều trị đột quỵ đã và đang được cập nhật, nâng cấp từng ngày, tạo ra những quy trình nhanh chóng chuẩn xác mà minh chứng rõ ràng nhất là những đơn vị đột quỵ được thành lập ở các bệnh viện lớn.

Điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch, điều trị nội mạch lấy huyết khối trong điều trị nhồi máu não cấp; mỗ lấy máu tụ kết hợp bơm rTPA trong điều trị xuất huyết não và nhiều phương pháp khác vẫn đang từng ngày được nghiên cứu cũng như chuẩn hoá về quy trình điều trị.Ví dụ, khoa Ngoại Thần kinh, BV. Nguyễn Tri Phương, đã phối hợp với cán bộ giảng từ ĐH Y Dược TP.HCM đem lại lợi ích thiết thực nhất cho bệnh nhân, với nhiều ca đã hồi phục thần kỳ sau đột quỵ. Tuy nhiên, điều trị đột quỵ muốn trọn vẹn, đem lại tối đa giá trị cho cuộc sống của bệnh nhân phải kết hợp với phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Bệnh đột quỵ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn

Theo BS. Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần Kinh, BV. Nguyễn Tri Phương, đột quỵ được định nghĩa là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng cục bộ hơn là lan tỏa và tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ, gồm đột quỵ xuất huyết (haemorrhagic stroke, chiếm 15 - 20%) và đột quỵ thiếu máu cục bộ (Ischaemic stroke, chiếm từ 80 - 85%). Đây là tình trạng bệnh cần phát hiện khẩn cấp để có liệu pháp cứu chữa kịp thời.

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵẢnh minh họa

Với tỷ lệ tử vong 18 - 35% và 20 - 30% cần sự chăm sóc toàn diện trong năm đầu sau đột quỵ

“Trong những năm gần đây, người ta ghi nhận tỷ lệ mới mắc đột quỵ giảm 42% ở các nước thu nhập cao. Ngược lại, tăng hơn 100% ở các nước thu nhập thấp. Nguyên nhân gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ hầu như liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì ít vận động. Xuất huyết não phần lớn là do cao huyết áp và các nguyến nhân ít gặp hơn như vỡ dị dạng mạch máu não, bệnh thoái hóa mạch máu dạng bột, rối loạn đông máu…” BS.Trung Thành cho biết.

Theo các chuyên gia, diễn tiến tự nhiên thường gặp ở những bệnh nhân còn sống sót sau đột quỵ, chức năng thần kinh bắt đầu hồi phục sau vài ngày đầu tiên và tiếp tục hồi phục nhanh chóng 3 tháng đầu; chậm dần trong 6 - 12 tháng tiếp theo và một ít trong 1 - 2 năm sau đó. Kiểu cách hồi phục thay đổi khác nhau ở từng bệnh nhân.

Trong đó, nguy cơ tàn phế trong năm đầu sau đột quỵ sẽ có đến 20 - 30% cần sự chăm sóc toàn diện, 20 - 30% phụ thuộc vào những người khác cho những sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, thay đồ, di chuyển. Những yếu tố chỉ điểm cho sự phục hồi chức năng kém như: Tiểu không kiểm soát, kiểm soát tư thế kém, rối loạn chức năng nhận thức, khả năng di chuyển kém, rối loạn chức năng nhận thức không gian - thị giác, mất cảm giác sâu và mất vận động nặng nề.

Hoạt động trị liệu trong đột quỵ não

Theo nghiên cứu trên 3 triệu người bị đột quỵ não ở Mỹ, tới 70% có khuyết tật về chức năng, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến chức năng sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo… Một số nghiên cứu khác cho thấy sau đột quỵ, >80 % bị yếu vận động/bại nửa người; 1/3 không thể đi lại; 1/3 bị tàn tật nặng.

Triệu chứng cảnh báo đột quỵ dễ nhận biết là:

Méo miệng.

Yếu liệt tay chân.

Nói đớ, nói ngọng.

Và nặng hơn là rối loạn ý thức, hôn mê.

Sự ảnh hưởng của chi trên đối với sinh hoạt hàng ngày trong đột quỵ não là rất lớn. Tuy nhiên, hồi phục chi trên sau đột quỵ rất kém với tỷ lệ 60% bệnh nhân mất chức năng của tay 1 tuần sau đột quỵ không hồi phục; 18 tháng sau đột quỵ, 55% bệnh nhân mất chức năng hoặc hạn chế chức năng của tay; 4 năm sau đột quỵ chỉ 50% có chức năng từ khá tới tốt.

Theo các khuyến cáo, tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định. Chống chỉ định vận động sớm bao gồm: các bệnh nhân làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch, tình trạng nội khoa không ổn định, độ bão hòa oxy thấp, và gãy hoặc chấn thương chi dưới.

Do vậy, cải thiện tiến triển trong quá trình hồi phục vận động sau đột quỵ nhờ:

- Bắt đầu sớm, nhưng không quá sớm.

- Bệnh nhân có nhiều động lực.

- Cường độ cao/lặp lại nhiều lần, tần xuất cao.

- Tập luyện vào vấn đề cụ thể tốt hơn các bài tập chung.

- Có tác dụng tốt hơn ở các bệnh nhân có di chứng vận động vừa phải.

- Tập luyện bổ sung.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ sớm cần được thực hiện trong môi trường phong phú, qua đó, cho phép tập luyện tất cả các chức năng của não theo cách tự nhiên.

Theo BS. CKII. Nguyễn Đăng Khoa, Khoa Phục hồi Chức năng BV. Chợ Rẫy, thời lượng tập trong ngày càng nhiều thời gian nếu có thể bao gồm vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu (ít nhất 3 giờ) trong đó bài tập tác vụ nên > 2 giờ và nên áp dụng lớp tập xoay vòng để tăng thời gian tập.Các bài tập tác vụ thô có thể là ngồi với lấy đồ rồi đứng với lấy đồ; đứng lên ngồi xuống; bệnh nhân nên thực hiện bài tập đi bộ với băng truyền có đai nâng đỡ hoặc không.

Nếu bệnh nhân có thể vận động chủ động duỗi cổ tay, ngón tay, nên tập chủ động 2 giờ/ngày trong 2 tuần kết hợp tập ép buộc 6 giờ/ngày…

Cường độ tập luyện phải nhẹ nhàng trong giai đoạn cấp tăng tiến dần trong giai đoạn sau.Trị liệu kết hợp giữa vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu và các chuyên ngành khác như dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được ưu tiên sử dụng các thuốc bảo vệ thần kinh; ngoài ra cần các thuốc phòng ngừa đột quị thứ phát trong nhồi máu não như hạ áp, ức chế kết tập tiểu cầu

Tất cả người thầy thuốc đều mong có thể đưa về xã hội một bệnh nhân ít di chứng nhất và có khả năng tái hồi nhập cao nhất. Với sự phát triển của chuyên ngành phục hồi chức năng nói chung và phục hồi chức năng thần kinh nói riêng, rất nhiều bệnh nhân đã có được sự hồi phục ngoạn mục. Chúng ta cần tiếp tục nhân rộng và phát triển những thành công đó, để giảm đi những gánh nặng và những tàn tật mà người bệnh có thể phải chịu vì đột quỵ.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn