Hà Nội

Phục hồi chức năng sau khi bị gãy chân, tay

13-12-2023 14:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Việc phục hồi chức năng cho người bị gãy chân, tay là cần thiết và được thực hiện càng sớm càng tốt, giúp người bệnh tránh được những biến chứng như cứng khớp, teo cơ...

Phục hồi chức năng cho người bị gãy chân, tay

Gãy xương là tình trạng phổ biến có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Sau gãy xương, mỗi người bệnh sẽ được tập một chương trình phục hồi chức năng, được thiết kế dựa trên độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và vùng gãy xương, bao gồm các bài tập giúp cải thiện sức mạnh và khả năng vận động của các nhóm cơ, khớp bị ảnh hưởng, mức độ tổn thương thần kinh và mạch máu liên quan. Đồng thời cũng phụ thuộc vào can thiệp điều trị có phẫu thuật hay không.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên giái đáp vì sao người bị gãy xương cần phục hồi chức năng.

Khi bị gãy chân, gãy tay tùy vào mức độ di lệch của xương để áp dụng các phương pháp như bất động (bó bột), nẹp, khung bất động hoặc phẫu thuật do di lệch quá nhiều. Dù bệnh nhân sử dụng bất kỳ phương pháp nào thì cũng cần phục hồi chức năng. Sau khi bị gãy chân, tay việc phục hồi chức năng càng sớm càng tốt giúp cho bệnh nhân tránh được các biến chứng như teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động khớp...

Phục hồi chức năng sau khi bị gãy chân, tay- Ảnh 1.

Việc phục hồi chức năng cho người bị gãy chân, tay cũng là cách giúp bệnh nhân hồi phục nhanh nhất, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Mục tiêu của chương trình phục hồi chức năng sau gãy chân, tay là giúp người bệnh có thể trở lại với chức năng và vận động tối ưu càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng yếu cơ, teo cơ, cứng khớp. Người bệnh cần được khám và tư vấn bởi chuyên gia phục hồi chức năng để xây dựng một chương trình phù hợp với tình trạng gãy chân, tay. Các bài tập vừa đảm bảo hiệu quả và tránh tập sai tư thế làm xương chậm liền, can lệch, khớp giả…

Các phương pháp phục hồi chức năng cho người gãy xương

Nhiều người thường thắc mắc, khi đang gãy chân, tay nếu tập phục hồi chức năng có thể làm gãy lại hoặc ảnh hưởng tới việc bó bột/phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh nên hiểu phục hồi chức năng sớm không có nghĩa là tác động vào vùng vừa mổ/bó bột (vùng bất động) mà sẽ thực hiện một số động tác như gồng cơ, tập thở, các vùng xa vùng bất động...

Chương trình phục hồi chức năng sau gãy chân, tay tập trung chủ yếu vào các bài tập:

- Giảm đau, giảm sưng nề vùng gãy xương sau chấn thương cấp tính.

- Bảo vệ xương gãy, giúp xương mau liền, tránh lệch trục, khớp giả…

- Tập vận động duy trì tăng cường các nhóm cơ liên quan tránh teo cơ.

Phục hồi chức năng sau khi bị gãy chân, tay- Ảnh 2.

Người bị gãy chân, tay được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

- Duy trì và cải thiện tầm vận động khớp liên quan, tránh cứng khớp.

- Vật lý trị liệu tăng cường dinh dưỡng tại chỗ, cải thiện tuần hoàn nội mô giúp mau lành vết thương.

- Thời gian và cường độ tập luyện phụ thuộc vào tình trạng, vị trí xương gãy, thông thường có thể kéo dài 4 đến 8 tuần. Việc can thiệp phục hồi chức năng có thể được thực hiện ngay sau khi xương gãy được cố định (bó bột hoặc phẫu thuật) và không chỉ tập vận động các xương bị ảnh hưởng mà còn tập phối hợp các nhóm cơ ngoại vi, duy trì độ linh hoạt, tránh các biến chứng do cố định, hạn chế vận động do đau.

Xem thêm video được quan tâm:

Phục hồi chức năng gan: Đừng để "nước đến chân mới nhảy"! | SKĐS


PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Ý kiến của bạn