Hà Nội

Phục hồi chức năng sau gãy xương đòn

SKĐS - Sau gãy xương đòn, việc phục hồi chức năng đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc vận động của người bệnh sau này. Vì vậy người bệnh cần biết phục hồi đúng thời điểm, vận động đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.

Phục hồi vận động đúng lúc, đúng cách sau gãy xương đòn

Gãy xương đòn là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này thường do té ngã, chấn thương thể thao và chấn thương do tai nạn giao thông… Các biện pháp điều trị tùy theo mức độ nặng của gãy xương. Nếu xương đòn gãy kín, không xảy ra biến chứng thì chỉ cần điều trị bảo tồn, như dùng thuốc chống viêm giảm đau, chườm lạnh, mang đai thun số 8 hoặc túi treo tay trong 4 đến 8 tuần. Tuy nhiên một số bệnh nhân có gãy xương phức tạp thì cần phẫu thuật để cố định xương. Nói chung, các hoạt động bình thường có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật 6 tuần.

gãy xương đòn

Hình ảnh gãy xương đòn trên phim X quang.

Phục hồi chức năng có thể bắt đầu sớm. Ngay sau khi bắt đầu điều trị bảo tồn bằng đai, túi treo tay hoặc ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân được khuyến khích vận động khuỷu, cổ, bàn tay nhưng nên tránh các hoạt động gắng sức.

Phục hồi chức năng vùng khớp vai thường chỉ nên bắt đầu sau 2-3 tháng, khi có dấu hiệu của can xương. Chương trình các bài tập phục hồi chức năng khớp vai, kéo dài 4 - 6 tuần. Mục tiêu là tránh bị cứng khớp vai do lâu ngày không cử động, tăng cường sức mạnh các cơ quanh khớp vai, sẽ làm cho khớp vai ổn định. Ngoài ra, tập mạnh các cơ này sẽ giúp giảm đau và giảm các tổn thương thêm, tăng cường tính linh hoạt của khớp vai.

phục hồi chức năng sau gãy xương đòn

Tập phục hồi chức năng sau gãy xương đòn.

Đầu tiên bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng. Sau đó có thể tiếp tục tự tập ở nhà theo liệu trình bác sĩ quy định. Người bệnh có thể bắt đầu bằng các động tác nhẹ nhàng để giảm bớt tình trạng cứng khớp và phục hồi chức năng vai. Các bài tập cường độ cao có thể được bổ sung sau khi xương hồi phục.

Các bài tập bắt đầu bằng vận động thụ động, tăng dần lên chủ động và có kháng trở. Bệnh nhân thực hiện bài tập con lắc theo Codman. Đó là cúi gập người khoảng 90 độ, tay lành tì lên bàn, tay tổn thương để thõng tự do đu đưa như con lắc.

Các bài tập khác bao gồm động tác bắt chéo tay, xoay trong vai, xoay ngoài vai, căng giãn vai tư thế nằm, động tác tập chèo thuyền, bài tập xương bả vai, bài tập co, kéo khớp vai, bài tập co duỗi vai, bài tập xoay ngoài với tay gấp 90 độ, bài tập xoay trong vai tư thế nằm nghiêng… Người bệnh cần được các bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn kỹ thuật tập tỉ mỉ, cụ thể… và cần tập đúng kỹ thuật, tránh làm tổn thương khớp xương.

Xem thêm: Gãy xương đòn, điều trị thế nào?

Sơ cứu gãy xương đòn


PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc
Ý kiến của bạn