Việc phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ ra hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Khiếm thính và phân loại khiếm thính
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu độ mất thính lực trung bình từ 50dB trở lên, hoặc nói theo một cách khác thì trẻ không nghe được trọn vẹn câu nói (nói chuyện bình thường) trong phạm vi khoảng cách một mét được coi là trẻ khiếm thính. Nếu trẻ có độ mất thính lực trung bình trên 80dB, có nghĩa là chỉ nghe được những tiếng động mạnh hoặc kề sát tai, những trường hợp này thường được gọi là điếc, và đặc biệt đi kèm theo điếc là bị mất ngôn ngữ – câm.
Như vậy, khiếm thính là tình trạng bị suy giảm một phần hoặc mất hẳn toàn bộ khả năng nghe. Và theo như cách nói phổ thông thì khiếm thính bao gồm cả điếc và lãng tai (nghễnh ngãng). Những trẻ khiếm thính ngay sau khi sinh hoặc bị từ rất sớm trong những năm đầu đời, thường không có khả năng phát triển ngôn ngữ bình thường và kết quả là không thể nói được.
Có khoảng 5% dân số, tương đương với 360 triệu người trên toàn thế giới bị khiếm thính, trong đó có 32 triệu trẻ em bị vấn đề này. Việt Nam là nước thuộc khu vực có tỷ lệ mắc khiếm thính cao trên thế giới, có khoảng 1,6 triệu người bị khiếm thính. Hàng năm có từ 1.200 đến 1.400 trẻ khiếm thính ra đời. Do bị suy giảm sức nghe ở các mức độ khác nhau, dẫn đến trẻ khiếm thính gặp khó khăn trong giao tiếp và ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của trẻ.
Máy trợ thính hỗ trợ nghe cho trẻ khiếm thính.
Dựa trên mức độ mất sức nghe, người ta phân loại điếc/khiếm thính ra làm 4 mức độ: Điếc nhẹ (20-40dB), điếc trung bình (41-70dB), điếc nặng (71-90dB), điếc sâu (>90dB). Chính vì vậy, để trẻ khiếm thính có thể hòa nhập cộng đồng việc phục hồi chức năng cho trẻ có vai trò rất quan trọng.
Điều trị trẻ khiếm thính thế nào?
Trường hợp giảm thính lực do bệnh lý như viêm tai giữa, các chấn thương thủng màng nhĩ, do dị vật trong ống tai, do ráy tai... việc phát hiện kịp thời và điều trị đúng đắn bằng thuốc hoặc phẫu thuật sẽ khôi phục lại thính lực cho trẻ. Với những trẻ này, việc giữ vệ sinh tai-mũi-họng cũng rất quan trọng để chữa trị và phòng ngừa bệnh tái phát.
Trường hợp các nguyên nhân là do bẩm sinh, di truyền, trong lúc sinh hoặc di chứng sau viêm não-màng não, tổn thương có tính chất vĩnh viễn, trẻ không thể hồi phục được thính lực và phải mang khuyết tật suốt đời. Với những trẻ này, khi phát hiện sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử để có thể học nghe, học nói sớm và phát triển như những trẻ em bình thường.
Máy trợ thính là một dụng cụ đặc biệt dùng để khuếch đại cường độ âm thanh. Sở dĩ trẻ có thể nghe được là do đa số trẻ khiếm thính, kể cả những trẻ bị điếc sâu (giảm thính lực trên 90dB) đều còn sót lại một phần khả năng nghe. Khả năng nghe nhỏ nhoi còn sót lại này nhờ sự khuếch đại âm thanh của máy trợ thính, trẻ có thể tiếp nhận thông tin và nghe được bình thường.
Tuy nhiên máy trợ thính chỉ hỗ trợ trẻ nghe tốt hơn chứ không thể chữa trị tật khiếm thính. Máy trợ thính sẽ trở thành người bạn đồng hành suốt đời của trẻ. Hiệu quả của việc mang máy sẽ được phát huy tối đa nếu trẻ được đeo sớm (ngay từ giai đoạn 0-3 tuổi), đeo suốt ngày và đeo hàng ngày (trừ lúc trẻ tắm hoặc ngủ) và máy phải luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt.
Một số lớn trẻ này bị tật khiếm thính do di truyền hoặc chưa biết rõ nguyên nhân nên việc phòng ngừa có nhiều khó khăn. Những biện pháp như quản lý tốt thai phụ, hạn chế các sang chấn sản khoa, tránh sử dụng các thuốc gây độc cho thính giác khi mang thai, tiêm chủng và nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ nhỏ... cũng góp phần thiết thực vào việc phòng ngừa.
Các hoạt động phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính
Trẻ khiếm thính cần được khám sức khỏe thể chất, khả năng nghe, khả năng phát âm, khả năng nhận thức, trên cơ sở kết quả đánh giá sẽ tư vấn cho gia đình lựa chọn mô hình và phương pháp can thiệp phù hợp với trẻ.
Các hoạt động phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính theo mô hình chuyên biệt
Hoạt động dạy văn hóa: Đối với những trẻ khiếm thính lớn (lớn hơn 6 tuổi), không qua chương trình can thiệp sớm phát triển ngôn ngữ lời nói, mức độ điếc nặng và sâu (không có khả năng tiếp nhận âm thanh khi đeo máy trợ thính), trung tâm tiến hành giáo dục theo mô hình chuyên biệt. Kết hợp giữa dạy văn hóa theo trình tiểu học và PHCN lao động hướng nghiệp nghề (cho trẻ lớn >12 tuổi).
Phương pháp dạy học: Phối hợp các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy khả năng còn lại và hạn chế những khó khăn của trẻ khiếm thính. Sử dụng tốt phương pháp trực quan, đóng vai, sử dụng phương pháp giao tiếp tổng thể trong quá trình giáo dục cho trẻ khiếm thính.
Hoạt động dạy nghề: Đối với trẻ lớn khiếm thính lớn tuổi sẽ tham gia học chương trình văn hóa kết hợp với hướng nghiệp dạy nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ.
Dạy kỹ năng sống: Trẻ khiếm thính nhỏ, trung tâm tổ chức dạy trẻ các kỹ năng sinh hoạt như: Đi vệ sinh, tắm, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo... Trẻ khiếm thính lớn cần tư vấn tâm sinh lý, giáo dục giới tính, dẫn làm việc nhà
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Tăng cường các hoạt động thể thao cho trẻ khiếm thính giúp cho trẻ có môi trường giao lưu, củng cố sự tự tin cho trẻ.
Giáo dục đạo đức: Tăng cường gần gũi động viên trẻ.
Công tác xã hội: Hỗ trợ, giúp các em trong quá trình học tập, điều trị, kết nối tìm việc làm cho các em đã trưởng thành.
Công tác can thiệp cộng đồng: Hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.
Các hoạt động phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính theo mô hình hòa nhập.
Dành cho trẻ khiếm thính còn khả năng nghe qua máy trợ thính hoặc điện cực ốc tai, trung tâm tổ chức các giờ can thiệp cá nhân nhằm phục hồi khả năng nghe, nói cho trẻ. Ngoài các tiết trị liệu cá nhân, các trẻ này sẽ tham gia học tại các trường mầm non hoặc tiểu học trên địa bàn.
Nhiều trẻ khiếm thính được can thiệp sớm đã đạt được kết quả cao trong việc phục hồi ngôn ngữ lời nói và khả năng nghe. Trẻ có thể sử dụng được ngôn ngữ lời nói trong giao tiếp và tham gia học hòa nhập được tại trường mầm non và tiểu học.