Vì sao bị liệt tuỷ sống?
Theo số liệu thống kê hàng năm trên thế giới, tỷ lệ tổn thương tuỷ sống có xu hướng ngày một gia tăng. Phục hồi chức năng cho những bệnh nhân này rất cần thiết vì phần lớn bệnh nhân là những người trong độ tuổi lao động, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình và cộng đồng.
Tổn thương tuỷ sống là một trong những bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Đây là hậu quả thường gặp của những va đập chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động (do ngã từ trên cao xuống...) hoặc tai nạn nặng trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi năm tại Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An có tới hàng trăm bệnh nhân đến điều trị, còn con số chung trong cả nước về bệnh lý này cần phải phục hồi có đến vài nghìn và gia tăng cùng với các vụ tai nạn giao thông. Điều đáng nói là nhóm người bị bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Gánh chịu hậu quả của tổn thương tuỷ sống làm họ trở thành gánh nặng cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.
Th.s Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho hay, khi bị tổn thương, tuỷ sống có thể bị thương ở bất cứ chỗ nào từ cổ đến mông. Tủy sống được ví như một dây cáp điện thoại, nó bao gồm nhiều sợi thần kinh nhỏ bên trong. Tủy sống cũng hoạt động như cáp điện thoại, nó truyền thông tin từ não đến các phần khác của cơ thể và ngược lại. Còn bộ não giống như một máy vi tính, nó sẽ sắp xếp phân loại các thông tin nhận được và ra lệnh cho các bộ phận khác của cơ thể đáp ứng với các kích thích đó. Do đó khi bị tổn thương, dây thần kinh nào bị đứt thì cơ quan nhận được thông tin từ nó sẽ bị mất kiểm soát từ não.
GS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội PHCN Việt Nam tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ thầy thuốc
Các kiểu bị liệt bao gồm: liệt hai chi dưới, do tuỷ sống bị tổn thương ở vùng “thấp”, ở phần tủy T-11; cũng có thể người bệnh liệt tứ chi, nghĩa là tổn thương tuỷ ở phần C-3. Đi liền với những tổn thương này là người bệnh mất cảm giác về da, không kiểm soát được đại tiểu tiện; tim, phổi, mạch máu... cũng không còn làm việc được như trước. Do vậy người bệnh rơi vào hoàn cảnh đại tiểu tiện không tự chủ, nằm lâu ngày dẫn đến loét. Họ không chỉ phụ thuộc mọi sinh hoạt vào người xung quanh mà những vết loét còn mang lại nhiều sự khó chịu cho người phục vụ.
Chăm sóc người liệt tuỷ sống
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt hai chân chi hoặc liệt tứ chi do tổn thương tuỷ sống là dùng các biện pháp y học với các kỹ thuật phục hồi chức năng nhằm đảm bảo cho bệnh nhân có thể tái hội nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng tham gia vào các hoạt động trong gia đình, xã hội, có cuộc sống bình thường nhất trong hoàn cảnh hiện tại của họ.
Phương pháp phục hồi chức năng liệt tuỷ tại Bệnh viện PHCN Nghệ An được sự chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành nên đã có nhiều bệnh nhân chữa khỏi.
Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An với sự giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật của GS.TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội phục hồi chức năng Việt Nam, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng BV Bạch Mai nên các thầy thuốc của bệnh viện đã cứu chữa thành công cho nhiều bệnh nhân tổn thương tủy sống ngay tại địa phương mà không phải ra tuyến trung ương điều trị. Tại đây nhiều máy móc tập luyện vận động kết hợp với kỹ năng của các kỹ thuật viên và chuyên gia tâm lý sẽ giúp đỡ và từng bước hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách chăm sóc tốt nhất.
Hệ thống máy móc đưa vào sử dụng trong khoa là máy kéo dãn cột sống, các máy phát ra vi sóng, giao thoa, siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại... Bên cạnh việc sử dụng các loại máy phục hồi hiện đại, các chuyên gia phục hồi chức năng còn giúp bệnh nhân tận dụng tối đa khả năng hoạt động của mình, các biện pháp chăm sóc chống loét, cách thay đổi tư thế, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ vận động (xe lăn), khắc phục tình trạng mất cảm giác đại tiểu tiện... Thông thường thời gian điều trị phục hồi tại bệnh viện là 4 tháng, nhưng quá trình phục hồi vẫn phải tiếp tục tại gia đình và cần phải thực hiện một cách kiên trì.
Phục hồi chức năng kết với y học cổ truyền giúp bệnh nhân hồi phục nhanh
1. PHCN càng sớm càng tốt, ngay giai đoạn sớm và tiến hành liên tục về sau
2. Tìm và giải quyết nguyên nhân gây liệt tuỷ
3. Phòng, chữa trị kịp thời bội nhiễm và Loét bằng các phương pháp: - Đặt người bệnh ở tư thế thuận tiện, ít bị tỳ đè nhất, thường xuyên trăn trở, thay đổi tư thế người bệnh, vệ sinh săn sóc da khô sạch ... để chống loét do tỳ đè - Tập thở, Tập ho, vỗ rung lồng ngực... để chống ứ đọng đờm dãi gây nhiễm trùng đường hô hấp - Chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh - Đặt sond tiểu ngắt quãng 6h/lần; bơm rửa bàng quang thường xuyên để chống nhiễm trùng tiết niệu và đề phòng căng phồng bàng quang - Chiếu tia Hồng ngoại, tử ngoại để phòng chữa viêm nhiễm lở loét cũng như PHCN chi thể và Giảm đau đớn cho người bệnh
4. Xoa bóp ngày 1 - 2 lần; Tập cử động, Tập vận động thụ động và chủ động các chi thể bị liệt để duy trì tầm vận động khớp Điện xung; Điện phân thuốc; Châm cứu; Thuỷ châm Vitamin nhóm B; Điện từ trường
5. Đề phòng huyết khối
6. Hướng dẫn người nhà và người bệnh tự tập luyện và cách chăm sóc người bệnh liệt tuỷ để chủ động đảm bảo duy trì phục hồi chức năng thường xuyên và lâu dài khi không có thầy thuốc, đặc biệt là sau khi ra viện trở về nhà. Cần thường xuyên theo dõi, kết hợp phục hồi chức năng và y học cổ truyền như xoa bóp, châm cứu, thuỷ châm…
Phòng chống tổn thương cột sống gây liệt tứ chi hoặc hai chi dưới, cách nào?
– Đảm bảo an toàn lao động, an toàn khi tham gia giao thông.
– Khám chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể gây biến chứng tổn thương tuỷ sống.
– Truyền thông, giáo dục bệnh nhân hiểu biết hơn về hậu quả nặng nề do tổn thương tuỷ sống, biết cách sơ cứu đúng hạn chế tổn thương thứ phát.