Ông V. cho biết: “Cách đây 1 năm, tôi bị liệt nửa thân bên trái không đi lại được. Nếu muốn di chuyển phải có hai người đỡ, sau một thời gian chữa trị theo tại Bệnh viện PHCN Nghệ An tôi đã đi lại được. Tuy không phục hồi 100% nhưng cũng đã đỡ được 80%, có thể đi lại được không cần người dìu”.
Ông Nguyễn V. không khỏi ngậm ngùi khi kể lại về cơn đột quỵ đã xảy đến với ông: Một buổi sáng thức dậy, ông đột nhiên cảm thấy chân trái và tay trái cứng nhắc, không thể di chuyển. Ông cũng không thể cất tiếng gọi con cháu như mọi ngày. Lúc nhập viện, đầu óc ông vẫn rất tỉnh táo nhưng không thể tự điều khiển được cơ thể của mình. Hôn mê sâu 10 ngày, sau khi tỉnh lại, bác sĩ cảnh báo rằng, ông có nguy cơ bị tái phát đột quỵ não cao nhất là trong 1 năm đầu.
GS. Nguyễn Văn Chương (người đội mũ sẫm) trực tiếp thăm khám cho người bệnh và đào tạo cho cán bộ y tế BV PHCN Nghệ An.
Từ những khó khăn của những bệnh nhân đến điều trị, lãnh đạo Bệnh viện PHCN Nghệ An phối hợp với các giáo sư đầu ngành về PHCN thành lập Trung tâm PHCN tai biến mạch máu não - một mô hình mới về PHCN và tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não nhằm giúp bệnh nhân vượt qua những khó khăn do bệnh tật. Trung tâm đã góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những chuyên viên PHCN cũng như hỗ trợ sự tham gia của bệnh nhân chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não thông qua việc chăm sóc hàng ngày tại bệnh viện.
ThS.BS. Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện PHCN Nghệ An cho biết: Được sự chuyển giao kỹ thuật của hai chuyên gia đầu ngành về PHCN - GS. Cao Minh Châu và GS. Nguyễn Văn Chương trong các năm qua từ khi thành lập Trung tâm PHCN tai biến mạch máu não, trung tâm đã phục vụ hơn 2.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân rất nặng, trải qua quá trình điều trị với sự chăm sóc của bác sĩ, điều dưỡng, nhiều bệnh nhân đã hồi phục tốt và trở lại với gia đình.
Bà Xuân cho biết thêm: Đây là một mô hình mới được áp dụng tại các bệnh viện PHCN, mà bệnh viện chúng tôi mạnh dạn đi tiên phong. Nhờ việc tiên phong thành lập Trung tâm PHCN sau tai biến mạch máu não của BV PHCN Nghệ An mà nhiều bệnh nhân của tỉnh không phải ra Hà Nội điều trị sau tai biến và nhiều bệnh nhân sau khi mổ tại Hà Nội đã sớm trở lại Nghệ An để phục hồi, không phải điều trị dài ngày xa nhà.
Kỹ thuật hoạt động trị liệu ở bệnh viện giúp hồi phục các chức năng của từng bộ phận trên cơ thể. Cán bộ y tế ước định về khả năng phục hồi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân để tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt. Ngoài ra, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu của bệnh viện đều được học các lớp tư vấn, các kiến thức về tâm lý nên có kỹ thuật tiếp xúc với bệnh nhân và lắng nghe các nhu cầu của bệnh nhân.
Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu không chỉ thấy những thay đổi cơ thể của bệnh nhân mà còn quan tâm đến cách sinh hoạt, làm việc của họ; môi trường sống, thể lực, kỹ thuật của người chăm sóc; tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất.
Để giúp bệnh nhân tai biến mạch máu não phòng ngừa các di chứng vận động, thích nghi với hoàn cảnh khiếm khuyết của bản thân và phát huy tốt nhất các khả năng còn lại để có cuộc sống độc lập tối đa, bác sĩ chuyên ngành PHCN sẽ chỉ dẫn người bệnh và bệnh nhân cách vận động thực hiện các bài tập gắn với thể trạng của từng bệnh nhân giúp họ hồi phục tốt nhất.
Bệnh nhân tai biến mạch máu não thường rất dễ bị liệt nửa người và có đến 2/3 bệnh nhân không thể tự hoạt động bình thường sau 6 tháng. Do đó, việc tập luyện PHCN cho bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị và khắc phục biến chứng. Quá trình tập luyện phải diễn ra xuyên suốt từ lúc còn ở bệnh viện và duy trì tiếp tục kể cả khi biến chứng đã được khắc phục.