Phục hồi chức năng cần kiên trì và nhẫn nại

06-11-2018 07:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BV Phục hồi chức năng (PHCN) Nghệ An đã mạnh dạn mời các chuyên gia giỏi về trực tiếp thăm khám, điều trị và đào tạo cho thầy thuốc của bệnh viện. Nhờ đó, chất lượng điều trị, năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện đã phát triển mạnh mẽ, thu hút được người bệnh từ tuyến trên về điều trị, người dân trong tỉnh không phải đi xa.

Chúng tôi đã phỏng vấn GS. Cao Minh Châu - Tổng thư ký Hội PHCN Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm PHCN, BV Bạch Mai về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện.

GS. Cao Minh Châu (ngoài cùng bên trái) trực tiếp hướng dẫn thầy thuốc thăm, khám.

GS. Cao Minh Châu (ngoài cùng bên trái) trực tiếp hướng dẫn thầy thuốc thăm, khám.

PV: Thưa GS, mục tiêu của lãnh đạo bệnh viện là gì khi mời các giáo sư là chuyên gia đầu ngành về PHCN và chống đau trực tiếp thăm khám và truyền thụ kiến thức?

GS. Cao Minh Châu: Tôi và GS. Nguyễn Văn Chương được lãnh đạo BV PHCN Nghệ An mời về từ tháng 1/2017. Mục tiêu của chúng tôi là tư vấn, giảng lý thuyết, giảng dạy lâm sàng, nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực chẩn đoán điều trị cho cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh PHCN cho bệnh viện và chuyên ngành PHCN của ngành y tế Nghệ An.

Từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ của nhân viên y tế trong chăm sóc người bệnh và người khuyết tật. Về kiến thức, cung cấp các phương pháp về PHCN các dạng khuyết tật thường gặp ở Nghệ An. Về kỹ năng, hướng dẫn trực tiếp, cầm tay chỉ việc, lượng giá chức năng và lập kế hoạch PHCN cho người khuyết tật thật cụ thể...

Về thái độ, giúp các thầy thuốc có thái độ đúng đắn đối với người bệnh, người khuyết tật, nâng cao trách nhiệm đối với công việc.

Nhìn lại thành quả sau 2 năm, chúng tôi đánh giá kiến thức, năng lực chẩn đoán, điều trị một số bệnh của thầy thuốc BV PHCN Nghệ An ở một số dạng khuyết tật cần PHCN thường gặp như đột quỵ, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, một số bệnh thần kinh ngoại biên. Điều trị một số bệnh lý rối loạn chức năng thường gặp như thoái hóa cột sống, khớp gối, thoát vị đĩa đệm cột sống đã được nâng lên tầm cao mới.

PV: Đi sâu về kỹ thuật chuyển giao cho tuyến dưới, giáo sư tâm đắc nhất về điều gì sau 2 năm tham gia trực tiếp giảng dạy và truyền thụ kiến thức cho BV PHCN Nghệ An?

GS. Cao Minh Châu: Về kỹ năng thực hành, tôi tự tin rằng các bác sĩ tại bệnh viện đã thực hành khám, lượng giá được để chẩn đoán các bệnh lý thường gặp ở tỉnh Nghệ An.

Thực hiện các kỹ thuật điều trị: Vật lý trị liệu, các bài tập PHCN phù hợp với tình trạng bệnh lý. Về thái độ đã được nâng lên rõ rệt thể hiện qua việc bệnh nhân ngày càng tin tưởng vào chất lượng điều trị của bệnh viện, thu hút được bệnh nhân đến, không phải ra Hà Nội điều trị, giảm quá tải cho tuyến trên. Trước đây, một số dạng khuyết tật khó phải chuyển lên tuyến trên như đột quỵ não, chấn thương sọ não… thì nay BV PHCN Nghệ An đã có thể thực hiện được các kỹ thuật PHCN thành thạo, là địa chỉ tin cậy của người dân Nghệ An và các tỉnh lân cận. Năng lực điều trị của cán bộ y tế được nâng lên, đã thu hút được bệnh nhân sau phẫu thuật chỉnh hình từ BV Việt Đức, bệnh viện trên TP. Vinh chuyển về điều trị.

Về chất lượng cán bộ y tế, như tôi đã nói ở trên, qua đánh giá và nhận xét sau 2 năm chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cùng thầy thuốc ở viện xuống tận giường bệnh thăm khám cùng bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, kỹ thuật viên cho thấy tinh thần ham học hỏi của cán bộ y tế. Bởi lẽ, làm PHCN cũng cần phải có kiến thức tổng thể về nội, ngoại, nhi và cả sản khoa nữa! Ví dụ: đau khớp phải điều trị nội khoa vừa PHCN về vận động. Hay như đối với đột quỵ não, giai đoạn sớm cần phải thực hiện ngay tại giường bệnh và đề phòng các biến chứng để lại hậu quả lâu dài.

PV: Thưa giáo sư, đối với Nghệ An, nét chung về người khuyết tật và các bệnh cần PHCN ở địa phương này là gì?

GS. Cao Minh Châu: Trước hết, cần phải nói rõ, PHCN đa phần là bệnh mạn tính có khi phải điều trị và PHCN cả cuộc đời như chấn thương sọ não, hay người mắc khuyết tật bẩm sinh.

Theo tính toán của chúng tôi, số bệnh nhân đột quỵ ở Nghệ An khá đông, chiếm khoảng 30% số người bệnh đến điều trị nội trú tại bệnh viện.

Tôi và GS. Nguyễn Văn Chương đã cùng lãnh đạo BV PHCN Nghệ An xây dựng Trung tâm Chống đau và Trung tâm PHCN đột quỵ. Từ khi thành lập 2 trung tâm này đã thu hút được bệnh nhân và người khuyết tật đến điều trị, PHCN.

Tôi cũng cần phải nói thêm là PHCN cần phải kiên trì vì đó là bệnh mạn tính, tình trạng khuyết tật luôn tồn tại. Số lượng người khuyết tật theo xu hướng hiện đại ngày càng đông do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng và do hậu quả của chiến tranh... Vì vậy, cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe cho số người này để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Trong điều trị, PHCN cho người khuyết tật cần phải chú ý để người khuyết tật được tái hòa nhập với gia đình và xã hội. Ví dụ, trong đợt điều trị PHCN cho người đột quỵ não, chúng tôi chia các giai đoạn điều trị để người khuyết tật về với gia đình, sống trong môi trường gia đình và cộng đồng, từ đó đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em là vui chơi được với bạn bè đồng lứa và đi học được. Đối với người lớn tuổi, khi tái hòa nhập xã hội đó là tự đảm đương công việc sinh hoạt hàng ngày của bản thân, tham gia các công việc gia đình, của cộng đồng... Tuy nhiên, cũng cần phải tái khám, tái lượng giá để kiểm tra sức khỏe, phòng ngừa khuyết tật thứ phát. Cần phải lưu ý là tái khám, tái lượng giá PHCN là nhu cầu có thật và chúng ta cần xây dựng đội ngũ thầy thuốc phục vụ nhu cầu chính đáng này của người dân và người khuyết tật.

PV: Cảm ơn giáo sư!


Anh Hoàng (thực hiện)
Ý kiến của bạn