Phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu

25-12-2008 08:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào khoảng 10 năm cuối đời của vua Lý Nhân Tông, một lễ hội có tính chất sám hối, siêu thoát cho những oan hồn.

Lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào khoảng 10 năm cuối đời của vua Lý Nhân Tông, một lễ hội có tính chất sám hối, siêu thoát cho những oan hồn. Những cuộc thanh trừng phe phái ở triều đình đã hằn sâu vào tâm trí của vị vua những ám ảnh đau thương, càng về già ông càng day dứt tâm trí và cần những nghi lễ có tính chất sám hối như để thanh thản khi tuổi xế chiều.

Ở Thăng Long, thời nhà Lý, vào mùa xuân thường tổ chức lễ hội đèn với quy mô lớn. Lễ hội đèn đã được sử sách ghi chép, nhưng đến nay theo các nhà sử học thì chỉ còn thấy trên văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, soạn năm 1121 ở ngôi chùa trên đỉnh núi Đọi (Hà Nam). Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì, Lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức phía trước Đoan Môn, rực rỡ, lộng lẫy với các lầu hoa, tháp làm bằng vàng bạc, ngà voi, có cây nêu cùng hàng nghìn ngọn đèn. Vào dịp này, dân các nơi nô nức đổ về dự lễ hội.

Hội đèn Quảng Chiếu được phục dựng. Ảnh: Minh Thông.
 
Hội đèn Quảng Chiếu là một trong những biểu hiện của Mật giáo thời nhà Lý, ở giai đoạn này, sinh hoạt Mật giáo rất sôi nổi. Mật giáo đã đáp ứng một nhu cầu có thực lúc đó là sự gia hộ và cứu độ, chứng nhận sám hối của chư Phật Bồ Tát đối với con người, dù đó là vua hay thứ dân.

Trong 10 năm cuối đời (1116 – 1126), có 4 lần Lý Nhân Tông cho mở Hội đèn Quảng Chiếu và đến khi ông qua đời (1128) thì chấm dứt một cách vĩnh viễn. Việc Lý Nhân Tông khởi xướng và ra lệnh tổ chức Hội đèn Quảng Chiếu trước hết là thừa kế các lễ hội cung đình có từ thời Đinh, tiền Lê, nó như là một biểu hiện tâm linh trong sáng của ông trước những đau thương của chúng sinh. Hơn nữa, đây cũng là một hoạt động văn hóa độc đáo của kinh thành Thăng Long vào thời ông trị vì.

Chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội đã có ý tưởng phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu để thực hiện một chuỗi liên hoàn lễ hội của Việt Nam, một mặt góp phần khởi dựng những vẻ đẹp của văn hóa quá khứ thông qua một hoạt động có tính chất tâm linh, giúp người đương thời hiểu thêm về sinh hoạt lễ hội của dân tộc. Mặt khác cũng là việc làm ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích quốc gia Hoàng thành Thăng Long đang đề cử Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Về mặt ý nghĩa, Hội đèn Quảng Chiếu là một trong những nghi thức Phật giáo quan trọng, liên quan đến việc làm lễ thí thực, lễ các cô hồn. Nhưng theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phần khác có lẽ lớn hơn là giải trí, là một hình thức văn hóa nghệ thuật bởi trên bia Sùng Thiện Diên Linh diễn tả “Hội đèn Quảng Chiếu thật hoành tráng, công phu, để lại dấu ấn trong lòng dân. Đặc biệt, nó biểu dương sức mạnh dân tộc đang vươn mình lớn dậy, bước sang thời kỳ hoàng kim, thắp sáng hàng nghìn ngọn đèn để tỏ ý kinh thành Thăng Long từ đây chấm dứt đêm đen tăm tối thời Bắc thuộc”.

Hội đèn Quảng Chiếu.
 
Trong tháng 11/2008 vừa qua, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội đã tổ chức tọa đàm về ý tưởng này. Đa số ý kiến đều thống nhất về việc phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu. Phục dựng thành công lễ hội này sẽ bổ sung thêm yếu tố phi vật thể, làm thành quách thêm sống động, có hồn. Do còn nhiều cách hiểu khác nhau về Hội đèn Quảng Chiếu nên ý kiến của các nhà khoa học, đạo diễn sân khấu về việc phục dựng lễ hội còn nhiều ý kiến, đưa ra nhiều phương án. Nhưng quan điểm chung là quản lý một di sản không phải là tìm biện pháp để bảo tồn nguyên vẹn di sản mà quan trọng là làm thế nào để di sản văn hóa tồn tại song hành với xã hội đương đại, thích hợp với yêu cầu của thực tại hiện nay. Cho nên theo ông Nguyễn Vinh Phúc: Tái hiện thì cũng được vì 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố ta là “thành bách chiến”, hàng trăm trận đánh chống ngoại xâm và phong kiến diễn ra ở đây, rất nhiều cô hồn và gần đây, khi phát lộ Hoàng thành, có rất nhiều hài cốt nên có lễ chiêu hồn, thí thực, tế thập loại chúng sinh là rất nên. Nhưng không nên quá lệ thuộc vào việc cúng vong linh, mà cần quan niệm đây là một lễ hội. Vì thế phần lễ không chỉ là phần nghi thức trang trọng mà phải cho mọi người cảm thụ được lễ hội và được sống trong không khí hội. Vì thế Hội đèn Quảng Chiếu phải thỏa mãn cả phần đi hội, trảy hội, coi hội chứ không chỉ thuần túy là biểu diễn các nghi thức lễ.

Để thực hiện việc phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu vào mùa xuân năm 2009, một tiểu ban nghiên cứu tư liệu và một tiểu ban nghiên cứu phương thức thể hiện đã được thành lập. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta sẽ có thêm một sự kiện văn hóa đặc sắc, đó là lễ hội của tinh thần nhân ái, nhân bản của văn hóa Việt Nam.

Như Hồng


Ý kiến của bạn