Những giá trị riêng
Lấy đề tài từ cuộc sống làng quê giản dị, với hình ảnh của hội làng, con trâu, con lợn, con gà, ruộng lúa, luống rau,… chứa đựng trong đó ước vọng về cuộc sống may mắn, hạnh phúc, no đủ, tranh dân gian Kim Hoàng đã có một thời là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo ghi chép, dòng tranh dân gian Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là những người di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ, Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…, cũng như không thực sự thích ứng với nông dân cả về thẩm mỹ lẫn túi tiền, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới có sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh trên.
Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế là hai dòng họ đi đầu trong việc làm tranh Kim Hoàng. Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng bắt đầu thất truyền sau trận lụt năm 1915, khi làng mạc từ thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) đến khu vực quận Cầu Giấy bị ngập trắng. Nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh hoàn toàn không còn được sản xuất nữa. Hiện chỉ còn vài mẫu tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” còn có bản in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh việc tìm người kế thừa, tạo không gian để công chúng đến thưởng lãm tranh dân gian cũng là một phương thức giúp nghệ thuật truyền thống ngày càng được lan tỏa.
Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống, chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc. Đây là điểm ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.
Đưa giá trị truyền thống vào đời sống
Sau giai đoạn 1945, những chứng tích còn sót lại của dòng tranh Kim Hoàng tại xã Vân Canh gần như biến mất. Việc khôi phục những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng được thực hiện dựa trên một số hình ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là trong cuốn sách Imagerie populaire Vietnamienne của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand, xuất bản năm 1960. Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều sự kỳ công. Có thể nói, việc hồi sinh dòng tranh giấy đỏ Kim Hoàng cũng đồng nghĩa với khôi phục, bảo tồn các giá trị dân gian đặc sắc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, không được may mắn như tranh Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề.
Muốn phục dựng và phát triển được dòng tranh Kim Hoàng thì phải có nghệ nhân. Nhưng muốn nghệ nhân tâm huyết thì điều kiện đủ là họ phải sống được bằng nghề. Nếu như tranh Đông Hồ hiện chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiêm là người nặng lòng nhất, thì tranh Kim Hoàng hiện cũng chỉ có một người kế thừa duy nhất. Đó là anh Đào Đình Trung (sinh năm 1980), một người con của làng Kim Hoàng. Anh Trung là người được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa “phát hiện” có những phẩm chất phù hợp để có thể theo đuổi dòng tranh dân gian. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cũng là người đã dìu dắt, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Trung tầm sư học đạo một số nghệ nhân làm tranh và học chữ Hán.
Bên cạnh việc tìm người kế thừa, tạo không gian để công chúng đến thưởng lãm tranh dân gian cũng là một phương thức giúp nghệ thuật truyền thống ngày càng được lan tỏa. Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm“Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với 62 bức tranh tiêu biểu tại triển lãm là những tác phẩm đã có mặt trong bộ sưu tập chọn lọc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có cả tranh Kim Hoàng. Mỗi tác phẩm đều có lối thể hiện rất riêng biệt, màu sắc tự nhiên rực rỡ, nét khắc, vẽ điêu luyện mang đậm bản sắc dân tộc.
Đối với hội họa truyền thống, một số ý kiến cho rằng cất vào kho là bảo tồn. Nhưng cất vào kho rồi không ai biết và chính dân chúng cũng quên thì việc bảo tồn ấy vô ích. Quan trọng là phải khơi dậy, đưa giá trị truyền thống bước vào đời sống với hơi thở mới, với câu chuyện mới tiếp nối với cái cũ. Việc bảo tồn không có nghĩa là cứ cố giữ khư khư cả làng làm nghề, mà cần bảo tồn trên nhiều phương tiện. Một nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, việc bảo tồn phải gắn với việc tôn trọng tín ngưỡng dân gian. Lâu nay chính sách rất nhiều nhưng chỉ phục vụ việc du lịch trước mắt hoặc những vụ việc đơn giản chứ chưa mang tính lâu dài là tôn trọng người dân, tôn trọng tuyệt đối niềm tin tín ngưỡng. Tất nhiên, muốn khôi phục hội họa truyền thống, chúng ta phải đào tạo con người trước tiên. Họ phải là những người yêu quý văn hóa dân gian và có năng lực sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó cần có sự ủng hộ của chính quyền, những nhà tài trợ tâm huyết...