Phú Xuyên, Ứng Hòa là thành phố phía Nam khi sân bay thứ 2 của Thủ đô hình thành

03-04-2024 10:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua, tại Vùng đô thị phía Nam (Phú Xuyên - Ứng Hòa) định hướng phát triển lên thành phố phía Nam khi sân bay thứ 2 vùng Thủ đô hình thành.

5 vùng kinh tế - xã hội

Theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm 5 vùng KT-XH.

Thứ nhất, vùng trung tâm: Tiểu vùng đô thị lõi gồm các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, là Trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, tập trung các cơ quan đầu não quốc gia, Trung ương Đảng, các bộ, ngành trung ương. Phát triển không gian văn hoá, khai thác di sản hình thành không gian dịch vụ mua sắm, ẩm thực, lưu trú và phát triển kinh tế ban đêm phục vụ du lịch.

Tiểu vùng đô thị mở rộng, gồm các quận/huyện: Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì; là trung tâm đầu mối trung chuyển, các chợ đầu mối phân phối hàng hóa, dịch vụ phía Nam và Tây Nam cung cấp cho khu vực nội đô.

Thứ hai, vùng phía Bắc sông Hồng: đóng vai trò cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh tiểu vùng phía Bắc vùng đồng bằng sông Hồng, gồm các quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm và phần tập trung đô thị của huyện Đông Anh: là nơi dự kiến đặt trụ sở trung tâm hành chính mới; Trung tâm thể thao, vui chơi giải trí quốc gia, quốc tế; trung tâm thương mại dịch vụ và đầu mối trung chuyển phía Bắc và Đông Bắc; Trung tâm kinh tế, tài chính - ngân hàng mới của Thủ đô.

Phú Xuyên, Ứng Hòa là thành phố phía Nam khi sân bay thứ 2 của Thủ đô hình thành- Ảnh 1.

Cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm 5 vùng KT-XH.

Thứ ba, vùng phía Nam Thủ đô: đóng vai trò cửa ngõ liên kết với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, gồm các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức là động lực phát triển của khu vực phía Nam Thủ đô và các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng khi hình thành sân bay thứ hai.

Thứ tư, vùng Tây Nam Thủ đô: đóng vai trò cửa ngõ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, gồm các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây là trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của cả nước và Thủ đô.

Thứ năm, vùng phía Bắc Thủ đô: gồm huyện Sóc Sơn, Mê Linh và 1 phần huyện Đông Anh. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc, trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và triển khai phục vụ các hoạt động sản xuất linh kiện điện tử và công nghiệp ô tô, trung tâm dịch vụ bán buôn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, trung tâm logistic và phân phối gắn với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng.

Sơn Tây – Ba Vì định hướng trở thành thành phố văn hóa - du lịch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định 5 vùng đô thị, gồm: Đô thị Trung tâm; Thành phố phía Tây; Vùng đô thị Sơn Tây- Ba Vì; Thành phố phía Bắc; Đô thị phía Nam.

Vùng đô thị Trung tâm: gồm hai tiểu vùng phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng gồm các quận hiện có và các quận sẽ hình thành quận trong tương lai, có vai trò phát huy giá trị nội đô lịch sử, kết hợp hài hòa các xu thế phát triển văn minh, hiện đại.

Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc - Xuân Mai): Định hướng phát triển thành phố khoa học và đào tạo.

Thành phố phía Bắc gồm Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh: Định hướng trở thành thành phố với chức năng công nghiệp công nghệ cao và trung tâm logistic kết nối đa phương thức vận tải.

Vùng đô thị phía Nam (Phú Xuyên - Ứng Hòa): Định hướng phát triển thành thành phố phía Nam khi sân bay thứ 2 vùng Thủ đô hình thành.

Vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì gồm thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì: Định hướng trở thành thành phố văn hóa - du lịch.

Hà Nội sắp xây đường sắt 1 ray trên cao chạy ven 2 bờ sông HồngHà Nội sắp xây đường sắt 1 ray trên cao chạy ven 2 bờ sông Hồng

SKĐS - Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven 2 bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh viện Việt Tiệp lần đầu phẫu thuật thay van tim cho người bệnh.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn