Những gương mặt hốc hác, mái tóc ngả màu bạc phơ, đôi chân gầy còm ngồi trên những “con ngựa sắt” cũ kỹ gỉ sắt theo thời gian. Ánh mắt không còn thấy rõ nhìn xa xăm hình như trông đợi một điều gì đó…tất cả đó là những hình ảnh rất đỗi thân thương, quen thuộc mà không một người tiểu thương nào ở chợ Đông Ba này không biết đến. Họ-đội xe đạp thồ già chợ Đông Ba, Thành Phố Huế
Đời thồ
Hòa vào dòng người đông đúc xe cộ buổi sáng vào một ngày đầu đông, tôi theo chân những bác xe thồ bình dị này đi đến nhiều địa chỉ giao hàng trong phố Huế. Được “mục sở thị” chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn nhọc nhằn của nghề đạp thồ mang đến.
Các "già xe đạp thồ" ở chợ Đông Ba này đều tầm tuổi tứ tuần trở lên, những con người đã bắt đầu bước về bên kia cái dốc của cuộc đời. Ngặt nỗi mưu sinh họ phải lặn lội thân già từ các vùng lân cận như Phú Vang, Phong Điền đạp xe lên TP. Huế kiếm sống. Theo như lời tâm sự của ông Dương (87 tuổi)- người gắn với nghiệp “đạp thồ” được hơn 40 năm chia sẻ, một ngày làm việc của đời thồ bắt đầu từ sáng sớm đến chạng vạng tối. Công việc là thồ những vòng hoa, buồng chuối, gạo, muối... của các tiểu thương đến các địa điểm đã được đặt hàng trong thành phố. Thu nhập bấp bênh, bình thường thì từ dăm chục, “trúng mánh” lắm thì được một trăm nghìn đồng. Cũng có nhiều ngày trắng tay vì đến chợ cả buổi mà không có cuốc xe nào.
Buổi trư, những người phu xe ăn qua loa cho qua bữa rồi nằm nghỉ ngay trên chiếc xe đạp của mình. Khi thấy tôi ngó hộp cơm không có miếng thức ăn nào ông Dương bộc bạch “buổi trưa, tụi tui ăn cơm giá rẻ cho người lao động nghèo ở chợ Đông Ba, toàn là cơm trắng với rau muống xào, canh mặn tìm chỗ nào mát mát ít bụi bặm rồi ngồi ăn qua bữa lấy chút sức chiều mà chạy tiếp. Ngày trước ở những góc chợ lớn của Huế như chợ An Cựu, chợ Đông Ba vì cuộc sống khó khăn tuổi già sức yếu không có việc làm nên rất đông “bô lão” rời quê lên thành phố “kiếm cơm”. Tính chất công việc nặng nhọc lại phơi mình ngoài trời bất kể mưa nắng cũng phải làm việc. Chưa kể khi đi giao hàng vì chở đồ quá cồng kềnh nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn nên nhiều người bỏ việc về quê. Đếm nhẩm trên đầu ngón tay, ông Dương ước tính bây giờ còn chưa đầy hai mươi người đang hành nghề xe đạp thồ.
Như để hiểu thêm về cuộc sống, công việc của của các phu xe đạp thồ tôi quyết định ngồi thật lâu với một "già xe thồ" có tuổi ở phía trước chợ Đông Ba. Chờ ông ăn xong ổ bánh mỳ tôi mới lân la hỏi chuyện. Ông giới thiệu mình tên Thạnh quê ở tận Phú Đa, Phú Vang phải “ khăn đùm cơm gói” lên TP.Huế để đạp thồ từ 4 giờ sáng. Khi nghe tôi hỏi con cái ông đâu mà ông già rồi phải vất vả như thế! Ông Thạnh không ngần ngại trả lời “nghề này chỉ đủ nuôi mình để không phiền chi đến các con vì các con đều khó khăn. Nghề này không ràng buộc mình được bình yên sống, không bon chen với cuộc đời”. Nói vừa hết câu ông lặng lẽ chăm chút lại “con ngựa sắt” của mình, buộc lại chiếc yên xe cho cân đối để chuẩn bị cho những chuyến thồ trong ngày. Theo mỗi vòng xe là những giọt mồ hôi đang rịn trên gương mặt rám nắng và gió bụi, đôi vai gù gù vì những sức nặng của bao hàng. Đáng lẽ họ -những con người đã bước vào tuổi thập cổ lai hy phải được con cái chăm sóc, phụng dưỡng trong quãng đời còn lại nhưng vì hoàn cảnh họ phải tiếp tục mưu sinh.
Chờ cho ông Thạnh đi, chúng tôi bắt chuyện người chạy xe thồ khác. Nhấp ngụm trà cho thanh giọng, ông Nghị chỉ vào chiếc xe đạp thồ của mình, nói: “4 giờ sáng tui đã đạp xe ra đây thồ hàng cho người ta. Quần quật mãi đến 6 giờ chiều thì tui tà tà đạp xe về nhà tận Phong Điền. Ông phân trần với chúng tôi làm nghề này, khó nhất là xây dựng niềm tin với các tiểu thương và phải thực tâm với nghề. Dù có lúc một cuốc xe chỉ chở độc nhất một bó hoa với giá thù lao từ năm nghìn đồng. Đến những cuốc xe chở nhiều hàng hóa giá trị tới vài trăm nghìn mình phải chuyển đến địa chỉ một cách nhanh nhất và chính xác. Đạp xe vừa kiếm sống, vừa là cái thú tuổi già con ạ, dành dụm khoảng tiền để lo cho những khi trái gió trở trời”.
Bán giọt mồ hôi
Tôi dạo một vòng trong chợ Đông Ba thì bất ngờ nhận được nhiều lời khen cũng như sự cảm thông, chia sẻ của các tiểu thương đối với các “thồ già”. Như lời của bà Bảy bán hàng trái cây tại chợ: “Do xe đạp thồ không phải mất tiền xăng, giá lại rẻ và được người “đứng” tuổi chở nên người già như bà rất yên tâm. Hơn nữa, họ sẵn sàng đảm nhận làm tất cả công việc nặng nhọc, lại không so đo tính toán thiệt hơn nên giới tiểu thương chợ Đông Ba rất có cảm tình với cánh xe thồ. Cũng sợ một mai sẽ vắng bóng họ không biết có an tâm khi giao hàng cho người khác chở nữa không ...” bà Bảy nói thêm.
Trong những câu chuyện chúng tôi được nhìn, được nghe những phu xe đạp thồ chia sẻ thì họ đến với nghề không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh mà đằng sau đó là niềm vui tuổi già mong muốn được giúp gì cho đời, muốn khẳng định mình không phải là những người bỏ đi.
Ông Thạnh bộc bạch: “Ngày nào không đi, ông cảm thấy cuộc sống như thiếu đi một điều gì đó. Chắc ông làm nghề này cho đến khi không còn làm được nữa thì thôi.Vả lại ở nhà vào ra miết cũng chán mình làm nghề ni thì sáng đạp xe thong dong lên đây, được gặp bạn bè tâm sự với nhau cũng vui”. Có lẽ vì theo đuổi cái nghề vất vả này mà đến giờ sức khỏe của ông Dương, ông Thạnh và những người phu xe lớn tuổi khác rất ít khi đau ốm.
Trong câu chuyện với họ chúng tôi chợt giật mình bởi xe đạp thồ dường như là nét đẹp văn hóa xứ cố đô, nhưng những năm trở lại đây chỉ còn rơi rớt lại một số người còn bám trụ với nghề. Chia tay với những cụ ông đạp xe đạp thồ trong lòng chúng tôi dâng lên nỗi niềm khó tả khi nhìn thấy những nụ cười đôn hậu, niềm lạc quan yêu đời dù phải gánh trên mình gánh nặng mưu sinh tuổi xế chiều.Thương lắm tấm lưng áo đẫm mồ hôi vẫn thủy chung với những vòng xe trên hành trình mưu sinh, bất kể nắng mưa, khuya sớm.
Văn Mến