Hà Nội

Phú Thọ: Tìm vị thế mới cho y tế cơ sở

27-09-2019 13:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Y tế tuyến tỉnh với “đầu tàu” là BVĐK tỉnh không ngừng củng cố, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuyến huyện được “tháo bỏ” nhiều rào cản để tăng tốc với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, người bệnh yên tâm điều trị tại tỉnh nhà.

“Áo mới” cho y tế huyện

Đứng trước yêu cầu đổi mới để phát triển, hiện đại hóa để hội nhập, các Trung tâm y tế tuyến huyện của Phú Thọ đã và đang nỗ lực hòa nhịp với xu thế phát triển chung nhằm đảm đương tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước đây, khi chưa xã hội hóa đầu tư hầu như các khoa phòng: Khám bệnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu... của các bệnh viện tuyến huyện đều không đảm bảo công năng, không có đủ các trang thiết bị y tế thông thường để triển khai các kỹ thuật thường quy chưa nói đến chuyên sâu, dẫn tới tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến cao.

Máy CT Scanner 32 dãy đã phát huy hiệu quả tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê

Trước thực tế đó, “một luồng tín dụng dành cho y tế” được rót thẳng về huyện. 5 năm qua tổng gói tín dụng đầu tư cho các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện chuyên khoa là 500 tỷ đồng. Nhờ đó đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, các TTYT tuyến huyện và đã có sự  “thay da đổi thịt” với quần thể các công trình cao tầng, có khu vực riêng để khám chữa bệnh chất lượng cao và một hệ thống thiết bị máy móc hiện đại gồm: Máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi đường tiêu hóa, máy siêu âm 3D, 4D, máy tán sỏi laze… Cùng với đó các trung tâm cũng từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa mới, chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên.

Ngành y tế muốn phát triển bền vững cần có 3 yếu tố: Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản, có tay nghề, trình độ chuyên môn cao; người bệnh được quan tâm phục vụ chu đáo… trong giai đoạn các bệnh viện đang được giao quyền tự chủ hiện nay buộc lãnh đạo các TTYT huyện phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Câu hỏi muôn thuở: Tiền ở đâu để đầu tư? Đã được giải thỏa đáng bởi nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng được các cơ sở y tế vay và từ nguồn xã hội hóa. Từ đó cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, trang thiết bị y tế được thay mới hiện đại, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chủ động ứng dụng các kỹ thuật mới trong công tác khám chữa bệnh.

Là huyện miền núi với 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trước kia, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn được đánh giá là một trong những huyện có chất lượng dịch vụ y tế nằm trong tốp cuối của tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, Trung tâm này đã có bước phát triển “lột xác”.

Khu chờ khám bệnh khang trang và chuyên nghiệp tại Trung tâm y tế huyện miền núi Tân Sơn

BSCK I Vũ Đức Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn cho biết, hiện nay, trung tâm có 100 giường bệnh, mỗi ngày trung tâm tiếp đón 100 – 150 người dân đến khám. 3 năm trở lại đây, Trung tâm y tế Tân Sơn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại; đồng thời chú trọng thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế. Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị bệnh tại đây đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ca bệnh khó đã được xử lý, can thiệp kịp thời ngay tại tuyến huyện như: Hồi sức; phẫu thuật nội soi sản khoa; phẫu thật cắt tử cung bán phần,… Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn.

Gặp bà Hà Thị Nhàn, xã Tân Phú, năm nay 63 tuổi, thường xuyên phải vào viện bởi những căn bệnh huyết áp, tiểu đường của người già. Bà Nhàn kể: Trung tâm Y tế huyện vừa khang trang, sạch sẽ, các thiết bị khám, chữa bệnh cũng rất hiện đại. Nhiều bệnh chúng tôi chỉ cần đến đây cũng đã có thể chữa khỏi mà không cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Vừa đỡ tốn kém chi phí đi lại, điều trị, người nhà chăm nuôi cũng đỡ vất vả….

Là một trong số những đơn vị tích cực thực hiện xã hội hóa về y tế, từ năm 2014 Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng để đầu tư xây mới công trình bệnh viện 5 tầng và mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ phục vụ công tác khám chữa bệnh với tổng giá trị đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Hàng năm bệnh viện còn cử hàng chục lượt y, bác sĩ đi đào tạo các chuyên khoa sâu, đồng thời mời chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện tuyến Trung ương về chuyển giao các kỹ thuật mới kết hợp với chính sách thu hút bác sĩ trẻ về làm việc lâu dài, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử với bệnh nhân đã giúp TTYT Cẩm Khê từ một đơn vị nằm ở tốp trung bình đã vươn lên dẫn đầu trong hệ thống trung tâm y tế tuyến huyện.

Một ca phẫu thuật nội soi tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê

TS Nguyễn Giang Long, Giám đốc Trung tâm Y tế Cẩm Khê tự tin: Nhờ quyết sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh và đồng lòng ủng hộ của Sở Y tế nên Trung tâm Y tế chúng tôi đã có cơ ngơi khang trang như hiện nay. Nhưng chúng tôi đã xác định rõ, để tạo nên sự khác biệt là phải làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, từng bước chiếm được lòng tin của người bệnh.

Được biết, các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê đã làm chủ được kỹ thuật  phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở bụng cắt tử cung hoàn toàn, phẫu thuật xương cánh tay bằng nẹp vis A.O, tán sỏi qua da, mổ nội soi cắt túi mật, lấy sỏi đường mật… Trung bình mỗi năm trung tâm đón tiếp chữa bệnh cho trên 140.000 lượt bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm còn 3%. Với quyết tâm hiện đại hóa để hội nhập và phát triển, TTYT huyện Cẩm Khê đang tiếp tục huy động đầu tư xây mới 2 khối nhà 7 tầng và 3 tầng với tổng giá trị đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, phục vụ công tác khám chữa bệnh chất lượng cao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở xã Cát Trù đang chăm sóc người thân tại khoa Sản, gặp chúng tôi trong thang máy, chưa cần gợi chuyện đã nói thẳng băng: Mỗi năm mỗi khác, TTYT huyện ngày càng hiện đại, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới nên em yên tâm cho người nhà ở lại điều trị, không phải chuyển tuyến, đỡ chi phí tốn kém, đi lại phiền hà. Đẻ ở đây, gần nhà, phòng 1 giường, có điều hòa, giường nghỉ cho người nhà ở lại, việc gì phải về….tỉnh các bác nhỉ?!”.

Đến nay 12/12 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện của Phú Thọ đã có cơ sở hạ tầng khu khám chữa bệnh chất lượng cao khang trang; phòng mổ, khoa hồi sức cấp cứu hiện đại phục vụ người bệnh, triển khai được phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật nội soi… Từ việc triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa, các trung tâm y tế đã tích lũy được quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực y tế, từng bước tạo được niềm tin cho nhân dân tại địa phương

Xã không cho tụt lại phía sau

Năm 2012, HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban Nghị quyết về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2012 – 2020. Theo đó, trong giai đoạn này, Phú Thọ sẽ dành 355 tỷ đồng để đầu tư xây mới, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để phấn đấu 100% số xã đạt đủ 10 tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Từ sự quan tâm của tỉnh, trạm y tế xã, nơi gần dân, sát dân nhất được ngành y tế Phú Thọ quan tâm đầu tư. Cách Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn gần 30 km, phải đi qua 3 đập tràn, Trạm y tế xã Đồng Sơn đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2010.

Đón tôi ngay cửa trạm, y sỹ Đinh Thanh Huấn trưởng trạm y tế “kể khổ”: Vào mùa mưa lũ, nhà báo mà vào đến xã chúng em là không biết chắc ngày ra lại trung tâm huyện đâu. 3 đập tràn vừa qua, khi mưa dài ngày, lũ có thể về bất chợt, chúng em thành xã đảo ngay.

Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, Trung tâm y tế huyện đã cử bác sĩ từ huyện vào xã, tuần 2 buổi tổ chức khám chữa bệnh cho người dân có nhu cầu, đồng thời kết hợp đào tạo trực tiếp cho cán bộ y tế toàn trạm. 6 tháng đầu năm đã có gần 2.000 lượt người dân được thăm, khám, cấp phát thuốc.

Quản lý đơn thuốc qua hệ thống internet tại Trậm y tế xã Đồng Sơn

Nếu như những năm trước, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vừa thiếu, lạc hậu và không đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ y tế thì nay, toàn bộ các cơ sở y tế tuyến xã đều đã có cơ sở hạ tầng sạch sẽ, phong quang, chắc chắn.

Được biết, hiện nay Sở Y tế Phú Thọ, đang tập trung đánh giá tình trạng, xác định nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh tuyến xã có đào tạo tại chỗ, đào tạo giảng viên tuyến huyện về hướng dẫn tuyến xã. Đưa y, bác si tuyến tỉnh, tuyến huyện về các cơ sở y tế xã, nhất là các địa bàn đông dân cư, xa trung tâm và việc khám chữa bệnh xuất phát từ nhu cầu của địa phương để y tế xã không tụt lại phía sau...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đang được triển khai cụ thể tại các xã với phần mềm công tác quản lý khám chữa bệnh, kết nối bảo hiểm y tế được triển khai 100% và các phần mềm hỗ trợ quản lý thống kê y tế thay thế báo cáo thống kê bằng giấy tạo thuận lợi trong việc triển khai, sử dụng số liệu một cách hiệu quả tiết kiệm được chi phí.

Với những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế cơ sở, các y, bác sĩ và nhân viên y tế từng bước phát triển, củng cố thêm niềm tin cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.


Diệu Hoa
Ý kiến của bạn