Phú Thọ: Khống chế mức tăng dân số từ các giải pháp truyền thông đồng bộ

26-12-2021 15:35 | Xã hội

SKĐS - Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông về nâng cao chất lượng dân số, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình của Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, số con trung bình mỗi phụ nữ giảm xuống còn 2,5 con/phụ nữ.

Trong thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, đặc biệt là thay đổi nhận thức của những gia đình sinh con một bề là gái luôn là bài toán khó đối với nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ, cộng tác viên dân số đã giúp tỉnh Phú Thọ đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tính từ đầu năm, số trẻ em sinh ra 10 tháng năm 2021: 14.953 trường hợp, giảm 1.864 trường hợp (-11,08%) so với cùng kỳ năm 2020. Tổng BPTTHĐ thực hiện 10 tháng năm 2021: 89.839 ca, đạt 89,5% KH năm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dự ước kết quả năm 2021: Dân số trung bình: 1.495 nghìn người; tỷ lệ tăng tự nhiên dân số 1,036%; mức giảm tỷ suất sinh: 0,2‰; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%.

Có được những thành quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, cùng với đó là các giải pháp tổng thể kết hợp với công tác truyền thông tới từng cơ sở về công tác dân số trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã thành lập đội truyền thông, dịch vụ lưu động để tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại 110 xã thuộc vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao thuộc 13 huyện, thành, thị và đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, hỗ trợ ngân sách địa phương để triển khai chiến dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Phú Thọ: Khống chế mức tăng dân số từ các giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Cán bộ dân số huyện Tân Sơn (Phú Thọ) truyền thông về KHHGĐ cho đồng bào dân tộc ít người.

Trong đó, chú trọng các hoạt động truyền thông tiếp tục được duy trì và tăng cường trên các kênh thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng và đổi mới, phù hợp với đặc thù của vùng đặc thù; từng nhóm đối tượng: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên; nam giới; người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh hình thức truyền thông trực tiếp nhằm giúp đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững.

Đồng thời phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển và phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các giải pháp cụ thể được ngành Dân số tỉnh hướng tới là xây dựng các thông điệp truyền thông với khẩu hiệu vận động: "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con; thanh niên, vị thành niên.

Tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội.

Song song với đó là cung cấp cho nam, nữ thanh niên vị thành niên các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con, quản lý kinh tế gia đình; củng cố giá trị mỗi gia đình có một hoặc hai con, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ (Sở Y tế) cho biết: "Thời gian qua, ngành dân số tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi; đặc biệt, đưa nội dung tuyên truyền phù hợp đến từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần cho các nhóm đối tượng đặc thù, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận. Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục sinh sản trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư. Từ đó công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những hiệu quả tích cực".

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số đến năm 2030 của Chính phủ, ngành Dân số tỉnh Phú Thọ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ban hành chính sách và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung mục tiêu của Chiến lược Dân số đề ra. Trước mắt đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2516/KH-UBND ngày 12/6/2020 về thực hiện Chiến lược dân số đến năm 2025; Kế hoạch số 2823/KH-UBND ngày 30/6/2020 về thực hiện chương trình truyền thông dân số tỉnh Phú Thọ đến năm 2030; Kế hoạch số 3284/KH-UBND ngày 29/7/2020 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 của tỉnh Phú Thọ và tại địa phương, cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 của Tỉnh ủy Phú Thọ về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.


Dương Tú
Ý kiến của bạn