Hà Nội

Phú Thọ: Gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện

30-08-2018 15:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong những ngày gần đây, tại phòng khám Nhi khoa- Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận khám rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó số trẻ phải nhập viện điều trị ngày càng tăng.

BSCKI. Khổng Thị Kim Ngọc- Trưởng khoa Nhi yêu cầu- Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn. Ban đầu bệnh diễn biến nhẹ, nhưng bệnh phát triển nhanh chỉ trong vài giờ, và có thể có biến chứng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Chị Huế, mẹ của bé Nguyễn Tuyết Mai (Phường Tiên Cát - TP. Việt Trì) cho biết,  vài ngày trước khi nhập viện, thấy con sốt cao 39-40 độ liên tục, chị mua thuốc hạ sốt cho con uống nhưng không giảm. Cháu quấy khóc và không chịu ăn gì cả, gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây cháu được thăm khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng.

Hay trường hợp cháu Bùi Khánh Huyền, ở TP. Việt Trì hiện đang nằm điều trị tại khoa bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Mẹ cháu cho hay “Cháu đột nhiên sốt cao 39 độ C mấy ngày, gia đình có cho cháu dùng thuốc nhưng không đỡ, cháu không ăn được, và rất mệt mỏi. Sau khi vào viện 1 ngày, cháu mới nổi các mụn nước ở lưỡi, khe bẹn, nếu không để ý sẽ khó thấy. Rất may là cho cháu vào viện kịp thời nên bây giờ tình trạng đã ổn định, tuy nhiên cháu vẫn cần được theo dõi".

Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay- chân- miệng cần đưa tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và  Enterovirus 71 (EV71). Đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng: Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.  Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như: Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;  Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Theo Bác sĩ Ngọc, phát hiện bệnh kịp thời là cần thiết tuy nhiên cách điều trị và phòng ngừa mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy,  cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.  Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ theo tuồi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng điều trị.


Cao Thúy
Ý kiến của bạn