“Phủ sóng” điểm bán lưu động thay thế các cửa hàng bị đóng cửa

16-08-2021 19:26 | Thị trường
google news

SKĐS - Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Hà Nội đã “phủ sóng” thêm rất nhiều điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa.

Sau khi Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19, đặc biệt liên quan đến Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga (đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối) đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. 

Tại một số chợ truyền thống của Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, giá thịt lợn tăng 10.000 đồng/kg so với trước; giá thịt bò tăng 20.000 đồng/so với trước. Giá các loại rau tăng thêm 20% so với trước lệnh giãn cách toàn thành phố.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân tăng giá không phải do hàng khan hiếm mà do khâu vận chuyển rất khó khi nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tiểu thương ở các tỉnh không đưa được hàng về Hà Nội bởi chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ. 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng khuyến cáo người dân không buôn bán tại các nơi đang giãn cách xã hội nên hàng về Hà Nội ít hơn, khiến giá thực phẩm tăng, đặc biệt là mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…

“Phủ sóng” điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa - Ảnh 2.

Trước tình hình trên, các điểm bán hàng lưu động bình ổn giá đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

“Phủ sóng” điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa - Ảnh 3.

Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động đã được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội vẫn bảo đảm cung ứng hàng ổn định cho thị trường. Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh. Hiện ngành Nông nghiệp và Công Thương Hà Nội đang phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân  thành phố Hà Nội đã chủ động mở thêm các điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa. Cụ thể, sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố. Sở Công thương cũng đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm hàng trăm điểm bán hàng thiết yếu.

“Phủ sóng” điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa - Ảnh 4.

Các mặt hàng đều được đảm bảo bình ổn giá, không chênh so với thời điểm trước dịch hay tại các chợ truyền thống.

“Phủ sóng” điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa - Ảnh 5.

Người dân khi đi mua sắm tại chợ đều tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m...

Qua khảo sát, danh mục hàng và giá bán tại các điểm bán lưu động được niêm yết công khai. Nhân viên bán hàng và khách đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K với sự hỗ trợ và điều phối của UBND các phường.

Người dân đến mua hàng tại siêu thị lưu động được đo thân nhiệt, xuất trình thẻ đi chợ do cơ quan chức năng cấp. Hàng hóa tại các điểm lưu động khá dồi dào với đầy đủ các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, bò cá, tôm đến đồ khô.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế điểm danh các tỉnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm.


Cao Tuân
Ý kiến của bạn