Câu chuyện Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ cho phép triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ nhỏ 25m2 và tối đa là 90m2 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ dự định đưa quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội vào luôn trong Nghị định sắp ban hành vào khoảng đầu tháng 6 tới chứ không đợi đến khi ban hành Luật Nhà ở mới (vào năm 2015). Đứng trước dự kiến này của Bộ Xây dựng, nhiều ý kiến của các chuyên gia cả trong và ngoài ngành xây dựng đều bày tỏ sự lo ngại nếu quy định này được thực thi. Bài học nhãn tiền từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước hình như chưa được Bộ Xây dựng quan tâm. Còn nhớ khi đó, các căn hộ lắp ghép tấm lớn được xây dựng ồ ạt tại khu Thanh Xuân với diện tích tối thiểu còn lớn hơn nhà ở xã hội bây giờ (nếu được Chính phủ chấp thuận). Nhưng chỉ 3 - 5 năm sau, tại các khu lắp ghép tấm lớn, người dân đua nhau đập, phá, lắp thêm đủ loại chuồng cọp chiếm dụng khoảng không, thậm chí nhiều gia đình từ tầng 1 lên đến tầng 3 cùng góp tiền chung nhau làm móng nhà để cùng cơi nới khoảng không. Lý do được họ đưa ra là người sinh thêm nhưng diện tích lại không, buộc phải cơi nới. Hậu quả là hình hài các nhà tập thể tấm lớn hiện nay thật rối rắm và cực kỳ mất mỹ quan. Đó là chưa kể đến vì người dân đua nhau đập, phá, “đèo bòng” thêm “chuồng cọp” cho tòa nhà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu, tuổi thọ của các khu tập thể.
Theo giải thích của Bộ Xây dựng, đề xuất này có thể đáp ứng được nguyện vọng của cả doanh nghiệp và người có nhu cầu mua nhà thuộc đối tượng thu nhập thấp, tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định không phù hợp với quy định của Luật Nhà ở. Theo quy định tại Luật Nhà ở, "diện tích mỗi căn hộ không được thấp hơn 30m2 sàn". Như vậy, nếu Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị được chấp thuận với quy định về diện tích căn hộ giảm xuống 25m2 đối với nhà ở xã hội, sẽ "xé rào" Luật Nhà ở. Vấn đề ở chỗ, Bộ Xây dựng có lý khi đề xuất căn hộ diện tích nhỏ vì đó là nhu cầu của thị trường hiện nay. Thay vì dùng các giải pháp để giảm giá thành căn hộ giúp người dân có thể mua được nhà, Bộ Xây dựng lại đề xuất giảm diện tích căn hộ nhà ở xã hội xuống còn 25m2/căn là câu hỏi của dư luận đề nghị Bộ Xây dựng cần phải nghiên cứu thấu đáo.
Phản biện về dự án mới này của Bộ Xây dựng, giới kiến trúc sư cho rằng, với diện tích nhỏ như vậy, thiết kế chỗ ăn, ngủ, nấu nướng, khu vệ sinh trong căn hộ sẽ rất khó khăn và không đảm bảo chất lượng sống của cư dân. Khi nhu cầu có, không loại trừ chủ nhân của các căn hộ sẽ tận dụng các diện tích chung để sử dụng và dễ phát sinh tranh chấp. Hơn nữa, Luật Nhà ở khi đưa ra diện tích các căn hộ tối thiểu đã được tính toán trên các cơ sở khoa học tương ứng theo chiến lược nhà ở, các quy định về quy mô dân số khu vực nội đô, kiến trúc đô thị... Nhiều kiến trúc sư tỏ ra lo ngại về các khu ổ chuột trong tương lai, bởi căn hộ nhỏ rất dễ xuống cấp.
Việc Bộ Xây dựng chủ động đưa ý kiến, cứ cho là “thăm dò” dư luận về quy định diện tích tối thiểu nhà ở xã hội là 25m2, đã thu hút được sự quan tâm của xã hội. Điều đó cho thấy nhu cầu được sở hữu ngôi nhà riêng phù hợp với túi tiền của đông đảo tầng lớp cư dân là hoàn toàn chính đáng. Rất mong Bộ Xây dựng lắng nghe dư luận để có những quy định thỏa đáng vừa tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có thể mua được nhà vừa tránh những hệ quả như căn hộ xây từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Lê Ngọc Quang