Hà Nội

Phú Quang - Nhạc sĩ của tình ca Hà Nội

27-12-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phú Quang quê gốc ở Hải Phòng nhưng lại sinh tại Đất Tổ Phú Thọ - nơi gia đình tản cư thời chống Pháp. Thực ra Phú Quang không biết chính xác ngày sinh của mình.

Phú Quang quê gốc ở Hải Phòng nhưng lại sinh tại Đất Tổ Phú Thọ - nơi gia đình tản cư thời chống Pháp. Thực ra Phú Quang không biết chính xác ngày sinh của mình. Sinh ông được 3 tháng, mẹ mới đi làm Giấy khai sinh. Ngày 13/10/1949 là ngày mẹ Phú Quang làm giấy khai sinh cho ông. Phú Quang tâm sự “Sinh nhật tôi vào tháng 7, chẳng ai biết đến mà mừng. Còn sinh nhật trong tờ giấy khai sinh thì chẳng có ý nghĩa gì cả”. Phú Quang sáng tác bài Sinh nhật đen để nói về ngày sinh của mình: Tháng 10./ Anh vụng về hốt những cơn mưa./ Nhốt vào trái tim khô hạn./ Như đêm nào lặng im./ Nghe mưa rũ trong hồn.

​Nhạc sĩ Phú Quang.

Năm 1954, Hà Nội giải phóng, Phú Quang mới được 5 tuổi. Ông cùng gia đình từ nơi tản cư khăn gói theo chân “Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, trú ngụ tại phố Khâm Thiên lam lũ”. “Tôi lớn lên với những kỷ niệm của Hà Nội. Khi đó, tôi là một đứa trẻ thường đánh bi, đánh đáo, chơi cùng đám bạn ở ven Hồ Tây. Chúng tôi rủ nhau ra rạp Kim Đồng xem phim. Xem chưa đã, lại về xem thêm ở mấy cái ống nhòm của ông bán bánh kẹo. Rồi những âm thanh của tiếng tàu điện cũng đi suốt tuổi thơ tôi. Và con người Hà Nội nữa. Đừng xét nét quá vào vẻ bên ngoài mà phải hiểu từ thẳm sâu bên trong của họ thì thấy họ rất đáng yêu”, Phú Quang nói vậy. Phú Quang đau quặn lòng, chứng kiến cảnh B52 của “ không lực Hoa Kỳ” rải thảm những chùm bom “tọa độ” xuống con phố thân thương trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không mùa đông năm 1972. Cả dãy phố Khâm Thiên đổ nát hoang tàn, trong đó có nhà Phú Quang, sau này trên nền nhà của ông, người ta xây tượng đài căm thù, ghi nhớ tội ác “Trời không dung, đất không tha” của thời đất nước bị “cầy lên vì giặc Mỹ” (Chế Lan Viên). Cả tuổi trẻ của ông đã sống “những ngày đạn bom, những ngày hòa bình” trên thành phố cổ Hàng phố cũ rêu phong./ Và những mái ngói son yêu./ Nao nao kỷ niệm./ Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng./ Chợt hoàng hôn về tự bao giờ” (Em ơi Hà Nội phố).

Năm 1978, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc (Nhạc viện Hà Nội), ông về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1989, ông đưa gia đình vào thành phố mang tên Bác lập nghiệp. Ông đã thành danh ở cái thành phố sôi động này. Nhưng càng xa Hà Nội, Phú Quang càng yêu thêm Hà Nội. Ông xúc động tâm tình với bạn bè: “Tôi có lúc ghen tỵ với những người Hà Nội vì họ không phải đem theo nỗi nhớ Hà Nội ra đi. Nhưng sau này tôi mới hiểu, chỉ đi xa, mình mới hiểu mình yêu đất ấy như thế nào”. Có lẽ luôn “Mơ về nơi xa lắm” nên năm nào khi “nghe đài báo gió mùa Đông Bắc” thì Nỗi nhớ mùa đông” Hà Nội trong ông lại trào dâng. Ông “bay” ra Hà Nội làm chương trình âm nhạc duy nhất “Hà Nội ngày trở về” để tri ân Hà Nội - thành phố mà mỗi lần trở về  Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố./ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường. Ông đã từng tuyên bố: “Tình yêu giữa tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được”. Vì thế mà năm 2009, khi đã 60 tuổi, sau 20 năm xa Hà Nội, ông “trở về mái nhà xưa” không phải chỉ bằng âm nhạc mà mua hẳn đất xây nhà ở phường Tứ Liên, sống hạnh phúc bên cô vợ trẻ kém ông dễ đến gần 2 con giáp.

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Ông viết xuất phát từ những rung động, những xúc cảm của mình trên những tình yêu có thật và cả những ảo tưởng về tình yêu của mình. Nhạc sĩ Phú Quang có một dấu ấn, một phong cách riêng, đầy chất tự sự, da diết, có khi lại vút cao đầy kịch tính... Mảng bài hát viết về Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng trong đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều Phủ Tây Hồ, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu… Phương châm sáng tác của ông - như ông nói: “Mỗi người sáng tác có những miếng, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại, đó là tình yêu thật. Nhạc của tôi đều là bài hát cất lên từ tình yêu thật, không hô khẩu hiệu như: Hà Nội ơi! Hà Nội à! Công chúng đến với tôi cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm. Chỉ có điều, họ không phải là nhạc sĩ, không có phương tiện để diễn đạt tình yêu của mình như tôi mà thôi. Tôi trân trọng khán giả, có lẽ vì thế mà họ trân trọng nhạc của tôi chăng”. Bạn bè trong nghề mệnh danh cho Phú Quang là một nhạc sĩ dung dị, ca từ thường uẩn khuất một cõi buồn khó tả, đó là cái buồn sang trọng: Chỉ còn mênh mông gương hồ./ Từng hàng cây gốc phố ngây ngô tìm nhau./ Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu./ Anh đi có đôi lần nhìn lại./ Chỉ còn em, còn em im lặng đến tê người (Im lặng đêm Hà Nội).

Phú Quang có biệt tài phổ nhạc cho thơ. Các nhà thơ rất cảm ơn nhạc sĩ tài hoa bởi chính nhờ âm nhạc của ông mà thơ đến với khán giả nhiều hơn. Nhiều bài thơ có đời sống khác, đời sống của một bài hát khi được Phú Quang phổ nhạc: Dương cầm lạnh, Im lặng đêm Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông… Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, concerto, thơ giao hưởng, tiểu phẩm. Ông viết nhạc cho nhiều bộ phim. Nhiều bài hát cho phim có đời sống độc lập và được người nghe yêu thích: Nỗi khát khao mặt trời (phim Tình khúc 68), Bao giờ cho đến tháng 10 (đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (ĐD Lê Hoàng), Hải Nguyệt (ĐD Trần Mỹ Hà), Vị đắng tình yêu (ĐD Lê Xuân Hoàng)…

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, Hà Nội vinh danh nhạc sĩ Phú Quang là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014. Phú Quang có một câu nói xuất phát từ cái tâm yêu nghề của ông: “Tôi nghiệm ra một điều nữa là, ai cũng yêu vinh quang. Nhưng rất ít người yêu lao động để làm ra vinh quang bởi vì có vinh quang lao động rất cực nhọc”. Đúng vậy, vinh quang ông “gặt” được ngày hôm nay là hệ quả của cả cuộc đời lao đông cực nhọc “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt” của ông. Các cụ ta dạy “Nhân nào quả ấy” cấm có sai.           

  Lê Sỹ Tứ

 

 


Ý kiến của bạn