Phụ nữ ngày nay thường chú ý đến chăm sóc ngoại hình và da dẻ nhưng dường như lại không để ý đến "Cổ" - người chị em thân thiết của mình. Theo một khảo sát gần đây, tại Việt nam, có đến 44% các chị em phụ nữ cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin chính xác, khoa học về sức khỏe sinh sản và phương pháp điều trị các bệnh liên quan. Do đó, thay vì tiếp tục trầm lặng, "Cổ" quyết lên tiếng khắp nơi để chị em phụ nữ quan tâm hơn và sớm đẩy lùi những nỗi lo về ung thư cổ tử cung – căn bệnh vốn có thể phòng ngừa từ sớm.
"Cổ" kín tiếng với kẻ thù vi-rút HPV
Có thể chị em chưa biết, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư đối với phụ nữ trên toàn thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo báo cáo, hơn 58% tổng số ca ung thư cổ tử cung được chuẩn đoán trên toàn thế giới là các chị em Châu Á. Đáng báo động hơn, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4.132 ca mắc mới và năm 2020 đã có 2.223 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Có hơn 150 chủng HPV khác nhau, trong đó 14 chủng nguy cơ cao là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp mắc bệnh. Đáng chú ý nhất là chủng 16 và 18 - 2 chủng có nguy cơ cao nhất khi gây ra khoảng 70% tổng số ca ung thư cổ tử cung.
Vậy "Cổ" nào có khả năng nhiễm HPV? Câu trả lời là bất kỳ ai, bởi 80% người trưởng thành có hoạt động tình dục đều có thể nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời. Khi bị nhiễm HPV, "Cổ" hầu như không có triệu chứng rõ rệt nên thường không thể báo động cho các chị em biết. Chính sự im lặng này của "Cổ" dễ khiến rất nhiều người lầm tưởng và lâu dần thành chủ quan. Do đó các chị em hoàn toàn có thể đã nhiễm vi-rút mà không hay biết. Nếu chị em có sức đề kháng tốt, vi-rút HPV có thể bị đào thải. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, vi-rút HPV vẫn dai dẳng đeo bám "Cổ" làm "Cổ" bị nhiễm dai dẵng và có thể tái nhiễm nhiều lần. Tình trạng này, cộng với việc thiếu đi sự quan tâm đúng và đủ của chị em phụ nữ, có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào cổ tử cung.
Điều đáng buồn là thường mất nhiều năm, thậm chí là 10 năm kể từ lúc nhiễm HPV, "Cổ" mới xuất hiện các triệu chứng bất thường để đánh tiếng báo động và thôi thúc chị em đi thăm khám. Khi đó, tỷ lệ cao là các tế bào ung thư đã phát triển mạnh mẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Ngoài ra, một thực trạng khác là nhiều chị em đã nhận biết về kẻ đeo bám nguy hiểm HPV nhưng chỉ dừng lại ở mức tiêm phòng vắc-xin mà chưa có thói quen chủ động đi xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Theo số liệu từ HPV Information Centre, chỉ có khoảng 17% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi từ 25-65 từng tiến hành khám sàng lọc HPV trong 3 năm qua. Nhiều người trong số họ bày tỏ sự ngại ngùng, tâm lý sợ đau hay những nỗi lo về chi phí và thời gian khi nói đến biện pháp này.
Vì thế, để động viên chị em phụ nữ và đẩy lùi kẻ thù đeo bám vi-rút HPV, "Cổ" mới công khai "lên tiếng" tìm người lắng nghe tiếng lòng của mình trên khắp các trang mạng xã hội. Rất nhanh chóng, những lời bộc bạch của "Cổ" thu hút sự tò mò của cư dân mạng và nhận về nhiều sự bàn luận, quan tâm.
Chủ động xét nghiệm sàng lọc định kỳ để bảo vệ "Cổ"
Theo các chuyên gia y tế, định kỳ xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung và chọn phương pháp sàng lọc tối ưu là phương án hợp lý để phòng ngừa. Hai loại xét nghiệm phổ biến hiện nay là xét nghiệm HPV và xét nghiệm PAP đều được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, phụ nữ từ 25-60 tuổi được khuyến khích thực hiện xét nghiệm HPV mỗi 3 năm một lần để xác định sự hiện diện của 14 chủng vi-rút HPV có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Chủ động bảo vệ sức khỏe của "Cổ", cũng là bảo vệ sức khỏe của bản thân mình. Do đó, ngoài tiêm vắc-xin, các chị em hãy hình thành thói quen xét nghiệm sàng lọc định kỳ HPV mỗi 3 năm để quan tâm "Cổ" đúng và đủ hơn nhé.