Hà Nội

Phụ nữ Việt Nam tham gia hệ thống chính trị ngày càng nhiều, thúc đẩy bình đẳng giới

10-12-2021 15:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị cũng như mọi lĩnh vực góp phần đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Ở nước ta tỷ lệ phụ nữ tham gia hệ thống chính trị ngày càng nhiều.

Phụ nữ tham gia ở nhiều lĩnh vực tăng

Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) diễn ra với chủ đề "An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025", trong đó nội dung Tuyên bố chung khẳng định để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, các biện pháp an sinh xã hội có vai trò chủ đạo trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái để tự do, khai thác được tiềm năng của chính mình, được quyết định cho cuộc đời của chính mình và đứng vững trước các rủi ro và thách thức;

Nhận thức được rõ ràng hơn rằng bình đẳng giới vừa là tôn chỉ, là quá trình và thực hành yêu cầu những hành động liên ngành cùng những nỗ lực có sự phối hợp chặt chẽ trong những lĩnh vực khác của phát triển bền vững như an sinh xã hội, giáo dục, giảm nghèo, trao quyền kinh tế, bảo vệ môi trường và các hành động ứng phó với vấn đề khí hậu, v..v…

Kể từ khi ASEAN thành lập vào ngày 8/8/1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 60 - 64 đến năm 2015 đã tăng 3,7%; tỷ lệ sinh sớm của phụ nữ trong độ tuổi 15 - 19 ở khu vực đã giảm từ 77% xuống 37%. Các cơ hội giáo dục được mở rộng.

Thực tế, tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội tại một số quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt nhiều thành tựu trong việc thực hiện bình đẳng giới. Để thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Chính phủ đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia...

Phụ nữ Việt tham gia hệ thống chính trị ngày càng nhiều thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các lãnh đạo và nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh: baochinhphu.vn

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ nhiều Luật đã được thực thi như Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020… Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành như Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016... Vị thế của phụ nữ và trẻ em vì vậy đã được nâng lên.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị tại các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy bình đẳng giới

Kết quả thẩm tra đánh giá, các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có bước tiến bộ. Cụ thể, nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ủy viên Bộ Chính trị là 15,8% (tăng 3,3% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương là 10% (tăng 1,5% so với nhiệm kỳ trước). Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ ủy viên cấp tỉnh là 13,3%, cấp huyện là 14,3% và cấp cơ sở là 19,69% đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đều tăng; nhiều cơ quan và địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Theo số liệu cập nhật của Đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 25,6%, tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện đạt 20,1%, cao hơn 1,9% so với nhiệm kỳ trước.

Số đại biểu Quốc hội nữ khóa XV là 151 người (tỷ lệ 30,26% trong tổng số người trúng cử). Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khóa V, đạt 32,31%), lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Nữ đại biểu Quốc hội có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao hơn nhiệm kỳ trước. Như vậy, nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã tăng cả về số lượng và chất lượng.

Phụ nữ Việt tham gia hệ thống chính trị ngày càng nhiều thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 2.

Các nữ đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Ngoài ra, tỷ lệ nữ tham gia ở các lĩnh vực khác cũng ngày càng nhiều hơn. Như trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp là nữ làm chủ ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó tỷ lệ nữ là khoảng 48%...

Nâng cao vị thế phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.

Theo Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, mục tiêu đề ra là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông. Bên cạnh một số chỉ tiêu cần tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn trước, Chiến lược 2021-2030 còn bao gồm các chỉ tiêu mới như: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...

Xoá bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chấtXoá bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chất

SKĐS - Mặc dù bình đẳng giới có Luật quy định rõ ràng, nhưng dường như Luật sẽ không đủ để thay đổi thực chất vấn đề của bình đẳng giới. Xã hội đã thay đổi nhiều, phụ nữ đã phát huy vai trò mạnh mẽ hơn, được quan tâm nhiều hơn… Liệu như thế đã là một xã hội đang thực hiện bình đẳng giới thực chất?

Xem thêm video đang được quan tâm

Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm?


Tùng Lâm - Thanh Loan
Ý kiến của bạn