Phụ nữ và hiểm họa khói thuốc lá

27-06-2014 14:07 | Đời sống
google news

SKĐS - Mặc dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn hút. Đặc biệt, với phụ nữ khói thuốc lá có hại nhiều hơn chúng ta tưởng...

Mặc dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn hút. Đặc biệt, với phụ nữ thuốc lá có hại nhiều hơn chúng ta tưởng...

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 bệnh: ung thư thanh quản, ung thư miệng, dạ dày, bàng quang, tụy... và là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 70% các trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiều kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy tác hại tồi tệ của thuốc lá đối với phụ nữ: hư da, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mãn kinh sớm, hôi miệng... Thuốc lá sẽ làm gia tăng gấp 2 lần nguy cơ đột tử vì các bệnh tim mạch ở nữ giới.

 

- Những người mẹ không thuốc lá, sẽ giúp giảm 5% tử vong sơ sinh. Những đứa trẻ sơ sinh có mẹ nghiện thuốc lá sẽ dễ mắc phải hội chứng đột tử sơ sinh (SIDS) hơn những đứa trẻ bình thường.

- Mẹ hút thuốc, con dễ bị sinh non nhẹ cân.

- Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần phụ nữ không hút thuốc. Mẹ hút thuốc dễ bị thai ngoài tử cung, sảy thai, sinh non, thai nhi chậm phát triển, thai nhi dễ mắc các dị tật bẩm sinh nhất là tim mạch.

 

Tự rước lấy “thần chết”

Hoạt động tại các quán bar, cà phê, ở Q.1, TP.HCM càng về đêm càng sôi động. Hình ảnh những cô gái trẻ thong thả rít từng hơi thuốc lá, sành điệu nhả khói không còn xa lạ. Nguyễn Thị T. H. (28 tuổi, Digital Marketing) chia sẻ: “Ngày mới vào Nam tìm việc làm, trong những khoảnh khắc cô đơn, tôi tìm đến thuốc lá. Sau đó, có tụ có bè, bạn một điếu mình cũng một điếu. Không biết, từ lúc nào, điếu thuốc không thể thiếu được. Nhiều lúc thức khuya chạy dự án, khói thuốc cũng cho mình cảm giác thăng hoa hơn”.

PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan - chuyên khoa Hô hấp (BV ĐH Y Dược TP.HCM) khuyến cáo, với 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc, Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Đặc biệt, nữ giới chiếm 1,4%, phụ nữ bắt đầu nghiện thuốc lá xấp xỉ ở tuổi 23 - 24. Chỉ 30 phút sau khi ngủ dậy, người phụ nữ bắt đầu hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 40.000 ca tử vong có liên quan đến thúôc lá mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên 70.000 vào năm 2030. Hàng ngàn hóa chất nguy hiểm nằm trong từng khói thuốc, trong đó, ít nhất 80 chất có thể gây ung thư.

BS. Lan cảnh báo: “Nhiều kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy tác hại tồi tệ của thuốc lá đối với phụ nữ: hư da, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mãn kinh sớm, hôi miệng... Thuốc lá sẽ làm gia tăng gấp 2 lần nguy cơ đột tử vì các bệnh tim mạch ở nữ giới. Hút thuốc làm giảm nội tiết tố nữ (estrogen) và cholesterol tốt (HDL) - hai yếu tố giúp ngăn chặn sự hình thành huyết khối mạch máu. Nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim sẽ còn cao hơn khi bạn vừa hút thuốc vừa sử dụng thuốc ngừa thai”.

Hơn thế nữa, khả năng thụ thai ở những người phụ nữ nghiện thuốc lá rất thấp và cần thời gian dài hơn những người phụ nữ bình thường. Khoảng 13% số ca vô sinh ở nữ giới có liên quan mật thiết đến hút thuốc lá.

Thiêu đốt 45 nghìn tỉ đồng

Trong đó, 22 nghìn tỉ là số tiền người Việt Nam đã chi cho việc mua thuốc lá trong năm 2012. Hơn 23 nghìn tỉ đồng là tổng chi phí điều trị, chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 bệnh do thuốc lá gây ra: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỉ lệ hút thuốc đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ, 21,6% nam thanh niên từ 16 - 24 tuổi là người hút thuốc. Khảo sát trong học sinh cho thấy, 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai.

Liên quan đến tiêu dùng thuốc lá, theo một khảo sát tại 12 tỉnh do Liên minh Phòng chống thuốc lá Đông Nam Á hợp tác với ĐH Duke và ĐH Thương mại, ba loại thuốc lá lậu phổ biến nhất là Jet, Hero và Esse chiếm tới 90% thị trường thuốc lá. Jet và Hero tập trung ở phía Nam còn Esse ở phía Bắc. Gu hút, hương vị chiếm tới 70% lý do lựa chọn thuốc lá lậu, giá cả chỉ chiếm 15%. Trong khi giá cả thuốc lá lậu cao gấp 30 - 60% thuốc lá sản xuất hợp pháp. Tại Việt Nam, tăng thuế không phải là lý do chủ yếu làm tăng buôn lậu.

Theo dự án tăng thuế đặc biệt, thuế thuốc lá sẽ tăng từ 65% hiện nay lên 75% vào 2015 và 85% vào năm 2918. Mức tăng này không tác động tới tiêu dùng thuốc lá. Trong khi để đáp ứng mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc của nam giới từ 47,7% xuống 39% vào năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế đã đề xuất tăng thuế thuốc lá từ 65% lên 105% (năm 2015) và 145% (năm 2018).

Tại hội nghị Cập nhật thông tin về Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 do Vă phòng Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế) tổ chức ngày 28/5, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho biết, khi lựa chọn sử dụng thuốc lá, hầu hết các em không nhận thức đầy đủ những nguy cơ bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Giá thuốc rẻ là một nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện để các em nhanh chóng trở thành người hút thuốc. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hạn chế hiệu quả thanh thiếu niên hút thuốc - một hành vi chứa nguy cơ tử vong sớm lớn nhất mà thanh thiếu niên mắc phải.

Bên cạnh đó, các nhà điều trị cho rằng, đối với những người hút thuốc lá từ 30 tuổi trở lên sẽ chết sớm 6 năm nếu hút 20 điếu/ ngày, và hút 40 điếu/ngày sẽ chết sớm 8 năm. Nhưng nếu bỏ thuốc trước 40 tuổi, người nghiện có thể tránh được những tác hại lâu dài đến 90%. Và nếu bỏ sớm hơn nữa, bạn sẽ bớt được nỗi lo gánh nặng bệnh tật.

BS. Võ Đức Chiến - Phó giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương cho biết thay đổi hành vi hút thuốc lá không phải quá dễ dàng, nhưng cần phải giám sát, vận động nhắc nhở thường xuyên. Các bảng hiệu về quy định xử phạt tiền đối với hành vi hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện được lắp đặt to, rõ ràng. Hiệu quả đến rất từ từ, nhưng có những bước tiến đáng kể. Nhiều người bệnh hay thân nhân của họ đã biết ngượng ngùng dập tắt thuốc lá khi thoáng thấy bóng bảo vệ và nhân viên y tế. Tất nhiên, cách bỏ thuốc lá dễ nhất là đừng hút dù chỉ một điếu ngay từ ban đầu.

KHÁNH ANH


Ý kiến của bạn