Phụ nữ U50 - Phòng ngừa những bệnh lý nguy cơ

02-12-2020 20:34 | Đời sống
google news

SKĐS - Bước vào thời kỳ mãn kinh (40 – 60 tuổi), sự suy giảm nội tiết tố (estrogen) làm cho chị em phụ nữ không chỉ bận tâm về sự xuống cấp nhan sắc mà còn rất lo lắng về tần suất cao mắc các bệnh loãng xương, tim mạch… Để xua tan nỗi lo, chị em cần biết:

Loãng xương

Loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen đã được chứng minh là nguyên nhân gây giảm mật độ xương 2 - 3% mỗi năm, dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác như: Tuổi cao; người nhỏ bé, gầy gò; yếu tố di truyền (rất quan trọng); uống nhiều thuốc corticoid trong thời gian dài; chế độ dinh dưỡng thiếu canxi; vitamin D3; uống rượu; hút thuốc lá; ít vận động...

Để giữ cho xương khỏe mạnh khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo chị em cần ưu tiên ăn thực phẩm có nhiều canxi, bổ sung vitamin D, tập thể dục thường xuyên, không nên uống rượu bia, hút thuốc lá... Và theo nghiên cứu đa trung tâm ở Mỹ, việc bổ sung estrogen tự nhiên - 120mg isoflavon hàng ngày đã giảm được sự mất xương toàn cơ thể so với nhóm không sử dụng.

Nguy cơ bệnh lý tim mạch

Sự thiếu hụt estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh cùng với những yếu tố nguy cơ thường thấy trong độ tuổi này: Béo phì, cholesterol trong máu cao, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động, thần kinh thường xuyên căng thẳng, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch, uống thuốc viên tránh thai liều cao trên 10 năm… chính là nguyên nhân tăng nguy cơ bệnh tim mạch từ 2 lên 4 - 8 lần ở phụ nữ tiền mãn kinh..

Tuy nhiên, chị em vẫn có thể ngăn chặn hay giảm nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách tập thể dục thường xuyên, giữ tâm lý ổn định... Đặc biệt, trong chế độ ăn uống, nên ăn các loại thực phẩm tốt cho tim như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ; thực phẩm chứa isoflavon (estrogen tự nhiên), chẳng hạn như đậu nành hay các loại thực phẩm chức năng có chứa isoflavon; cắt giảm lượng đường và muối; hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn. Không ăn thịt mỡ, da động vật, hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol (trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, socola).


Lê Hương Nguyên
Ý kiến của bạn