Lúc này, cơ thể sản xuất hormone estrogen ít dần hơn, gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ, đổ mồ hôi ban đêm, khô âm đạo và tâm trạng thất thường... Theo đó, việc bổ sung một số loại vitamin có thể giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện những triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh.
1. Phụ nữ tuổi mãn kinh nên bổ sung vitamin A
Theo BS. Nguyễn Bích Ngọc, Khoa Phụ Ngoại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vitamin A là vi chất cần thiết để duy trì sức khỏe của mắt. Sự thiếu hụt vitamin A ở phụ nữ trung niên có thể dẫn đến các biểu hiện như đau mắt, mỏi mắt, nhìn mờ… Ngoài ra, một số vi chất của vitamin A như beta-carotene rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp phòng tránh nguy cơ loãng xương.
Bạn có thể bổ sung vitamin A từ beta-carotene bằng cách ăn trái cây và rau quả màu cam và vàng. Nếu muốn bổ sung viên uống vitamin A, liều khuyến nghị hàng ngày là 5.000 IU. Bạn nên tìm viên uống bổ sung có ít nhất 20% vitamin A từ beta-carotene.
Mặc dù vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên một báo cáo đã cho thấy việc bổ sung vitamin A liều cao có thể làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi ở phụ nữ mãn kinh. Vì vậy, khi bổ sung vitamin A, cần đảm bảo bổ sung đúng liều lượng theo khuyến cáo, tránh sử dụng liều cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, những người mắc bệnh gan, uống nhiều rượu không nên bổ sung vitamin A. Vitamin A có thể gây ra tình trạng huyết áp thấp, do đó nếu bị huyết áp thấp hoặc đang sử dụng thuốc hạ áp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin A. Thận trọng khi bổ sung vitamin A đối với người đang sử dụng thuốc chống đông máu.
2. Các vitamin nhóm B
Các vitamin nhóm B cần thiết cho tuổi mãn kinh bao gồm vitamin B6, B9 và B12. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin B6 giúp cơ thể tạo ra serotonin. Hormone này có nhiệm vụ truyền tín hiệu lên não, từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ theo thời gian.
Vitamin B9 không chỉ có nhiệm vụ cân bằng nội tiết tố mà còn giảm nguy cơ bệnh tim và huyết áp. Khi tuổi tác ngày càng tăng cao, cơ thể có thể mất khả năng hấp thụ vitamin B12. Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, mệt mỏi, nguy cơ sa sút trí tuệ.
Do đó, bạn có thể bổ sung các vitamin nhóm B thông qua chế độ ăn uống hoặc viên uống tăng cường. Vitamin B6 và B12 có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp và lượng đường trong máu. Do đó, người bệnh huyết áp và đái tháo đường cần lưu ý khi bổ sung vitamin B. Vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, cần thận trọng khi dùng thuốc làm chống đông máu.
Ngoài ra, các trường hợp sau đây cần lưu ý khi bổ sung vitamin B12:
- Người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp cao
- Người bệnh gout
- Người có vấn đề liên quan tới dạ dày, ruột…
3. Vitamin D
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể giảm tới 1/5 mật độ xương trong 5–7 năm sau khi mãn kinh. Bởi vậy, việc bổ sung đủ vitamin D và canxi trong thời kỳ mãn kinh có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ gãy xương, đau xương và nhuyễn xương.
Đặc biệt hơn, những phụ nữ lớn tuổi ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời chính là đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Theo khuyến nghị, phụ nữ từ 19-50 cần bổ sung 15 mcg (600 IU) vitamin D mỗi ngày, người trên 50 tuổi cần khoảng 20 mcg (800 IU).
4. Vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa, giúp cơ thể ngăn chặn các gốc tự do gây hại các tế bào trong cơ thể. Do đó, vi chất này cũng mang đến tác dụng giảm viêm, giảm tần suất căng thẳng - một trong những tình trạng phổ biến ở thời kỳ mãn kinh.
Để bổ sung vitamin E trong và sau thời kỳ mãn kinh, hãy bổ sung viên uống vitamin E và tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng vào chế độ ăn uống hàng ngày. Mục tiêu nạp ít nhất khoảng 15 mg vitamin E mỗi ngày.
Lưu ý, một số trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin E qua đường uống:
- Người bệnh Alzheimer hoặc gặp các tình trạng suy giảm nhận thức khác
- Người có vấn đề tim mạch, thận
- Tổn thương mắt…
Một số loại thuốc có thể gây tương tác với vitamin, do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bổ sung vitamin đúng cách và hiệu quả.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
5 Cách giảm ho đờm tại nhà | SKĐS