'Phụ nữ sau sinh cần được vỗ về, đừng để họ có suy nghĩ nằm ở đó là ăn bám'

07-10-2022 18:17 | Y tế
google news

SKĐS - Nhiều năm liền lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu, Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn đã có đúc kết như vậy khi nói về những điều phụ nữ sau sinh cần phải được hưởng để tránh trầm cảm sau sinh.

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, gần đây Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nặng với các biểu hiện mất kiểm soát về hành vi.

Cụ thể, có người dọa tự tử, rạch tay tự tử, xung đột với con, không chăm sóc, thậm chí còn gây hại cho con của họ. Không ít trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm đã quăng con mạnh xuống giường nhiều lần, may mắn là bé không bị chấn thương sọ não. Một vài trường hợp khác thì người mẹ sau sinh rạch tay tự tử, rạch bụng tự sát hoặc dọa tự tử. Thậm chí, có những người mẹ không buồn chăm sóc con của mình, hoặc cấu véo để lại vết bầm tím trên da trẻ.

"Phụ nữ sau sinh cần được vỗ về, đừng để họ có suy nghĩ nằm ở đó là "ăn bám"" - Ảnh 1.

Việc trẻ khóc đêm nhiều khiến cho người mẹ bị kiệt sức dẫn đến bị trầm cảm.

Trẻ khóc đêm là một trong những nguyên nhân khiến người mẹ bị trầm cảm sau sinh

"Người phụ nữ sau sinh phải trải qua giai đoạn "vượt cạn" một mình. Thứ nhất, họ rất mệt vì phải trải qua những cơn đau thể xác. Thứ hai là tâm lý, trước đây khi em bé khóc là các bà mẹ cho con bú vì nghĩ "khóc là đói", thói quen đó dần dần "ăn" vào trong suy nghĩ của các bà mẹ nên người phụ nữ về đêm phải thức rất nhiều lần để cho con bú. Chính việc thức nhiều vậy khiến cho người mẹ bị kiệt sức dẫn đến bị trầm cảm", ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ một trong số những lý do dẫn đến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm.

Theo thống kê, có đến 122 nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tình trạng con nít khóc đêm có liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ. Trẻ quấy khóc đêm kéo dài không những ảnh hưởng đến tâm trạng của người mẹ mà còn khiến em bé đối mặt với nguy cơ thấp còi, ảnh hưởng hệ miễn dịch và trí tuệ.

Bác sĩ Châu Tố Uyên, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thực thể là trẻ có tình trạng bệnh lý về đường tiêu hóa, thực quản, dị ứng sữa bò đường hô hấp, viêm phế quản... Về nguyên nhân chức năng thì có thể bé bú no quá, đói quá hoặc bị đầy hơi.

Theo bác sĩ Tố Uyên, các bà mẹ ở nhà có thể cho bé thư giãn, mát xa, nghe nhạc còn mẹ học cách giải tỏa áp lực, thư giãn bản thân, không làm việc quá sức.

"Phụ nữ sau sinh cần được vỗ về, đừng để họ có suy nghĩ nằm ở đó là "ăn bám"" - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn đang thăm khám cho bệnh nhân.

Những dấu hiệu biểu hiện trầm cảm sau sinh

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn cho biết, có nhiều triệu chứng về rối loạn trầm cảm sau sinh, trong đó triệu chứng đầu tiên liên quan về thể chất. Người phụ nữ không muốn chăm sóc bản thân, họ chán mọi thứ. Họ chán ăn, chán uống dẫn đến sụt cân. Đồng thời, họ không muốn giao tiếp với xã hội, thu mình lại và cảm thấy cuộc đời bế tắc, không có hy vọng và bất cứ năng lượng để làm việc gì.

"Khi có dấu hiệu bất ổn kéo dài trên 2 tuần thì sản phụ nên đi gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ về tâm thần để ngăn chặn những bất ổn hay những xung đột để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người mẹ đồng thời tránh luôn những việc gây hại cho các em bé", bác sĩ Mẫn khuyến cáo.

Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh, việc chuẩn bị cho một thành viên mới ra đời phải là quá trình chuẩn bị đầy đủ chứ không phải là "bể kế hoạch" để sinh em bé đó ra.

Theo đó, người phụ nữ khi mang bầu phải được hỗ trợ chăm sóc đúng cách, giúp cho họ không bị mặc cảm về hình thể của họ khi mang bầu và sau sinh. Đồng thời, gia đình và người thân giúp cho họ có sự an yên, không bị cô đơn khi "mang nặng đẻ đau".

Sau khi "vượt cạn", những người phụ nữ rất cần thiết có sự hỗ trợ để lấy được sức khỏe, cảm giác an yên trước khi quay trở lại công việc, lấy lại được vai trò của họ trước khi sanh con.

"Họ cần được vỗ về, đừng để họ có suy nghĩ nằm ở đó là "ăn bám", không giúp được điều gì bởi họ đã sinh ra một đứa trẻ. Đó là một nhiệm vụ cao cả", bác sĩ Mẫn chia sẻ.

"Phụ nữ sau sinh cần được vỗ về, đừng để họ có suy nghĩ nằm ở đó là "ăn bám"" - Ảnh 3.

Phụ nữ sau sinh cần được người thân quan tâm vỗ về, có cảm giác an yên.

Cũng theo bác sĩ Minh Mẫn, những người phụ nữ sau sinh cũng nên có những bài tập thể dục phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin. Họ nên ra ngoài đón ánh nắng mặt trời, hít thở không khí, tương tác với mọi người xung quanh. Nó giúp cho người phụ nữ không bị tù túng, cảm giác giam hãm xung quanh 4 bức tường.

Các nghiên cứu gần đây tại một số bệnh viện phụ sản ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ phụ sản sau sinh bị trầm cảm lên đến 33%. Trong đó ước tính gần 50% tỷ lệ phụ sản bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

Điều đáng lo ngại là tình trạng trầm cảm sau sinh có thể khởi phát bất cứ lúc nào trong thời gian 1 năm đầu sau sinh. Và nếu không được nhận biết sớm và áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp thì các vấn đề trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, vật chất, tinh thần của cả mẹ và con.

Vụ người mẹ đạp gãy chân con ở Bắc Giang: Cần hiểu đúng về trầm cảm sau sinhVụ người mẹ đạp gãy chân con ở Bắc Giang: Cần hiểu đúng về trầm cảm sau sinh

SKĐS - Vụ việc người mẹ đạp gãy chân con ở Bắc Giang đang gây xôn xao dư luận có nguyên nhân được cho là người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Vì sao phụ nữ sau sinh hay bị trầm cảm? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?...



Kim Vân
Ý kiến của bạn