HIV có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?
Mặc dù vẫn chưa tìm ra cách thức chính xác nhiễm HIV ảnh hưởng thế nào đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng chúng ta biết rằng khi tình trạng nhiễm HIV trở nên tồi tệ hơn, những thay đổi trong hệ thống miễn dịch của người nhiễm có thể tác động đến cách cơ thể tạo ra và duy trì mức độ các loại hormone khác nhau, bao gồm testosterone, estrogen và progesterone.
Những thay đổi về lượng hormone sinh dục estrogen hoặc progesterone có thể dẫn đến một số thay đổi về kinh nguyệt ở phụ nữ nhiễm HIV. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ nhiễm HIV ở giai đoạn tiến triển hơn (số lượng tế bào CD4 dưới 200) có nhiều khả năng bị chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Những phụ nữ có dấu hiệu của HIV ở giai đoạn tiến triển như gầy sút cân, thiếu máu... cũng có thể bị thay đổi kinh nguyệt vì những tình trạng này ảnh hưởng đến các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, nguyên giảng viên Bộ môn Nội, Đại học Y Hà Nội, những vấn đề tương tự cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của những phụ nữ âm tính với HIV. Ví dụ, những phụ nữ có lượng mỡ cơ thể rất thấp như vận động viên chuyên nghiệp, phụ nữ mắc các bệnh mạn tính không liên quan đến HIV và những phụ nữ bị thiếu sắt (một nguyên nhân gây thiếu máu) có nhiều khả năng bị kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.
Những biểu hiện thay đổi kinh nguyệt gồm: Kinh nguyệt không đều, tần suất khác nhau, thời gian khác nhau, lượng máu khác nhau (ít hơn hoặc nhiều hơn), mất kinh, vô kinh (không có kinh nguyệt trong hơn 90 ngày), đốm máu giữa các kỳ kinh...
Mất kinh có thể liên quan đến vô sinh, tăng nguy cơ tim mạch và sức khỏe xương kém. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu họ gặp phải những thay đổi bất thường về kinh nguyệt.
Phụ nữ nhiễm HIV có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Có phải mất kinh là triệu chứng của HIV không?
Một kỳ kinh nguyệt không đều không phải là dấu hiệu của HIV. Các triệu chứng của nhiễm HIV giống nhau ở cả nam và nữ, phổ biến nhất là sốt, đau nhức cơ, mệt mỏi...
Có nhiều lý do khiến phụ nữ không có kỳ kinh nguyệt hàng tháng thông thường, bao gồm mang thai, căng thẳng, giảm cân đột ngột, thừa cân hoặc béo phì và tập thể dục quá mức...
HIV có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu kinh không?
PGS. TS. Bùi Khắc Hậu cho biết, máu kinh tiếp xúc với da lành không gây ra nguy cơ lây truyền HIV. Nếu máu tiếp xúc với da bị trầy xước hoặc nuốt phải thì có thể lây truyền HIV nhưng vẫn không chắc chắn.
Tuy nhiên, do hiệu quả của phương pháp điều trị HIV, máu kinh của phụ nữ nhiễm HIV tuân thủ thuốc kháng virus có thể không phát hiện được virus mà Không phát hiện được = Không lây truyền.
Kinh nguyệt có làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình không?
Nếu phụ nữ nhiễm HIV không dùng thuốc kháng virus, nồng độ HIV trong dịch âm đạo có thể cao hơn trong thời kỳ kinh nguyệt.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tải lượng virus trong đường sinh dục nữ có thể thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, như đạt đỉnh vào thời điểm kinh nguyệt. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV nếu phụ nữ nhiễm HIV không sử dụng các biện pháp phòng ngừa như dùng bao cao su hoặc biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm - PrEP.
Phụ nữ có nguy cơ mắc HIV cao hơn trong thời kỳ kinh nguyệt không?
Bản thân việc chảy máu kinh trong thời kỳ kinh nguyệt không làm tăng nguy cơ mắc HIV. Tuy nhiên, những thay đổi về hormone trong chu kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với những thời điểm khác.
Vì còn cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ thời điểm phụ nữ có nguy cơ cao nhất nhiễm HIV nên luôn cần cân nhắc sử dụng các biện pháp rào cản như dùng bao cao su nam và nữ để bảo vệ tốt nhất khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV, bất kể giai đoạn nào của chu kỳ kinh nguyệt.
Phụ nữ nhiễm HIV có thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố để ức chế kinh nguyệt không?
Phụ nữ nhiễm HIV có thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố để điều hòa hoặc ức chế kinh nguyệt, bất kể họ có muốn tránh thai hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân nhắc đến việc điều trị HIV khi lựa chọn các phương pháp như vậy, vì có khả năng tương tác giữa thuốc chống HIV và thuốc tránh thai nội tiết tố khiến biện pháp tránh thai này không hiệu quả.
Mời bạn xem tiếp video:
Đi làm móng nhiễm HIV: Bác sĩ nói gì? I SKĐS