Việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Hiện nay nhiều địa phương đang có xu hướng mức sinh thấp, thậm chí thấp xa so với mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ), điển hình như: Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang... Với tâm lý xã hội hiện nay, nhiều người có xu hướng thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn, nuôi con đơn thân... có nguy cơ gây ra hệ luỵ rất lớn cho xã hội, đẩy nhanh già hoá dân số... Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con. Khẩu hiệu vẫn là “dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.
Phụ nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con trước 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Các địa phương có chính sách thí điểm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình. Những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn sẽ bị tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng.
Kết hôn trước 30 tuổi và sinh con trước 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Việc kết hôn ở độ tuổi phù hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý, tình cảm và cuộc sống hôn nhân. Những người trẻ ở độ tuổi 28-32 có nhận thức rõ về lựa chọn bạn đời của họ, quan điểm sống của họ trưởng thành hơn và họ cũng có thể giải quyết một cách hợp lý hơn các vấn đề trong hôn nhân; Có ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái cũng như khả năng chịu đựng cao hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Độ tuổi này, họ có thể chịu đựng được những thất bại, không dễ bốc đồng. Vì hôn nhân liên quan đến hai gia đình nên khi chín chắn, kỹ năng xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân sẽ tốt hơn, có lợi cho việc xử lý các mối quan hệ gia đình sau hôn nhân.
Với chính sách khuyến khích trên, đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần cho các cặp đôi vì được căn cứ phù hợp với các yếu tố trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ. Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần và giảm mạnh sau mốc 35 tuổi. Đến khi bước sang tuổi 45, ít phụ nữ có thể mang thai một cách tự nhiên.
Chính vì vậy, xét về khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 20-34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính và các vấn đề khác. Do đó, ở độ tuổi này, các bác sĩ thường tư vấn phụ nữ nên sinh con.
Hơn nữa, nếu phụ nữ lớn tuổi mới kết hôn và sinh con sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ. Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ như tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi gây ra rất nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của thai nhi. Cùng với đó, phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh do thiếu, thừa hay tổn thương nhiễm sắc thể tăng lên. Theo nghiên cứu, nếu người mẹ 25 tuổi thì có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952; trên 35 tuổi là 1/378 và là 1/30 khi phụ nữ trên 45 tuổi mới sinh con. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không nên sinh con sau 35 tuổi để hạn chế nguy cơ đứa trẻ gặp các rủi ro không đáng có.