Sốt là một phản ứng của cơ thể với một quá trình bệnh lý. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó thường gặp là nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng…) xâm nhập vào cơ thể qua đường tiểu, hô hấp, tiêu hoá hay đường máu…
Tuỳ theo nguyên nhân gây sốt và mức độ sốt cao hoặc thấp có thể nguy hiểm đến mẹ và con. Nếu ở mức độ nhẹ (hơi sốt 37,5 độ) có thể không hoặc ít khi ảnh hưởng đến thai nhi.
Nhưng nếu sốt kéo dài và sốt cao (38 độ trở lên) và sốt trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây nguy cơ dị tật tim bẩm sinh cho bé. Các nghiên cứu cho thấy, thai nhi trong 3 tháng đầu thường đáp ứng rất kém với tình trạng tăng nhiệt ở mẹ khi mẹ bị sốt. Vì vậy, tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe mà thai phụ có thể bị sảy thai, sinh non hay thai chết lưu. Ngoài ra, việc thai phụ hạ sốt không đúng như: dùng các loại thuốc cảm, thuốc hạ sốt cũng dễ gây các nguy cơ khuyết tật bẩm sinh hiếm gặp ở thai nhi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cơ địa của người mẹ.
Khi thai phụ có cảm giác sốt, cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể để biết chính xác nhiệt độ cơ thể. Nếu hơi sốt (37,5 độ) thai phụ cần nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, tăng cường uống nước và nước hoa quả. Có thể chườm khăn mát để giảm nhiệt độ. Nếu sốt cao hoặc có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì đối với thai phụ sốt dùng thuốc không đúng mục đích (cả cả thuốc Đông y) có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Việc phòng tránh lây nhiễm các bệnh đối với phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng. Khi ra ngoài tiếp xúc đông người cần mang khẩu trang. Hàng ngày cần ăn uống đủ chất, nhiều dinh dưỡng, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ. Mùa hè tránh ra nắng gắt giữa trưa sẽ cảm nắng. Thai phụ tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc gia cầm nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra, thai phụ cần khám thai đúng lịch để phát hiện những bất thường để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy