Phụ nữ mang thai nhiễm HIV tuân thủ điều trị thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con rất thấp

25-09-2022 16:09 | Y tế
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền virus cho con qua 3 giai đoạn.

- Giai đoạn 1 - Khi mang thai: HIV từ mẹ qua rau (nhau) thai vào cơ thể thai nhi rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kì. Có khoảng 17%-25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV từ giai đoạn này.

- Giai đoạn 2 - Khi chuyển dạ đẻ: HIV lây từ các dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Khoảng 50% trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ ở giai đoạn này.

- Giai đoạn 3 - Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Khoảng 25% trẻ bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn bú mẹ.

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV tuân thủ điều trị thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con rất thấp - Ảnh 1.

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng virus ARV, đảm bảo tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, thấp hơn 200 bản sao/mL và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và khi cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ xuống rất thấp, có thể dưới 2%.

Việc phát hiện sớm và điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV mang lại nhiều lợi ích như:

  • Giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội;
  • Giảm nguy cơ tử vong;
  • Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục;
  • Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%;
  • Giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Theo các bác sĩ, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ càng cao khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV gặp ít nhất một trong các tình trạng sau:

  • Chưa điều trị thuốc kháng virus ARV hoặc mới điều trị thuốc ARV dưới 4 tuần tính đến thời điểm sinh con.
  • Tải lượng virus HIV ≥ 200 bản sao/mL trong thời điểm 4 tuần trước sinh.
  • Phát hiện nhiễm HIV muộn lúc chuyển dạ hoặc ngay sau sinh hoặc đang cho con bú.

Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả thì phải tiến hành các hoạt động dự phòng sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trước hết hướng vào tất cả những phụ nữ có hành vi nguy cơ hay chồng/bạn tình của họ có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ngoài ra, cũng cần dự phòng lây truyền HIV trong tương lai cho những phụ nữ đã được chẩn đoán tình trạng HIV âm tính tại các cơ sở chăm sóc trước sinh.

Về nguyên tắc dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ cũng giống như dự phòng lây nhiễm HIV chung cho các nhóm dân cư khác, cụ thể là tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người nhiễm HIV thông qua các hành vi an toàn như tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích…

Nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Khi quá trình chuyển dạ diễn ra, sản phụ cần phải tiếp tục hợp tác tốt với các bác sĩ sản khoa để giúp quá trình sinh nở được thuận lợi và an toàn. Đặc biệt, các bà mẹ cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh để giảm tối đa các nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.



Minh Đức
Ý kiến của bạn