Nhiều chị em nghĩ rằng không nguy hiểm nên chủ quan với viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, chủ quan không chữa trị sớm đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc vì bệnh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, ở trường hợp nặng có thể gây sẩy thai, sinh non.
Thai phụ là một trong những đối tượng dễ bị các bệnh viêm phụ khoa tấn công nhất bởi sự tăng đột biến hormon trong thời kỳ mang thai sẽ khiến vùng kín nhạy cảm hơn với một loạt bệnh nhiễm trùng và gây ngứa. Bên cạnh đó, cấu trúc cổ tử cung mở rộng trong thời gian mang thai làm vi khuẩn và mầm bệnh dễ dàng xâm nhập bên trong cơ quan sinh sản gây bệnh viêm phụ khoa.
Đồng thời, trong thời kỳ mang thai, nồng độ tiết tố thường tăng cao hơn. Nội tiết tố tăng cao, nồng độ pH trong môi trường vùng kín thay đổi có thể khiến nhiều người cảm thấy ẩm ướt hơn ở vùng kín. Nếu không vệ sinh đúng cách có thể là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm ký sinh phát triển nên dễ bị các bệnh phụ khoa. Mặc khác, kích thước thai nhi ngày càng lớn, chèn ép vùng chậu khiến khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường. Nếu thai phụ không vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thường xuyên sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công. Tốt nhất, nếu thấy ra khí hư bất thường nên lưu ý khám phụ khoa, âm đạo để loại trừ các bệnh nguy hiểm.
Tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Mắc bệnh phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm?
Bình thường, phụ nữ vẫn có hiện tượng ra khí hư. Phụ nữ mang thai do thay đổi hormon khi mang thai nên thường ra nhiều khí hư hơn bình thường. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ mang thai thường bỏ qua dấu hiệu này. Điều này là rất sai lầm. Nếu như khí hư có màu sắc khác thường, mùi chua, sủi bọt hoặc khí hư có màu vàng, xanh xám thì có thể đang mắc phải viêm nhiễm âm đạo bắt buộc phải đi khám. Khi viêm nhiễm sẽ kích thích cổ tử cung, nguy cơ sẩy thai, sinh non rất cao. Có những người viêm nhiễm âm đạo nặng không chữa có thể gây nhiễm khuẩn tử cung, khi sinh ra đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm nấm từ người mẹ truyền sang. Việc chữa viêm âm đạo cho bà bầu ngay từ khi có các biểu hiện lâm sàng không chỉ tốt cho người bệnh mà còn rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Nếu thai phụ mắc bệnh phụ khoa do nấm, Chlamydia trong thời kỳ này, thai phụ sẽ bị nóng rát, ngứa ở vùng kín, đau trằn bụng, nặng hơn gây viêm màng ối dễ sinh non, lây truyền nấm cho em bé. Do đó, trước khi có ý định mang thai, cần đi khám sức khỏe tổng quát cũng như phụ khoa, chữa dứt điểm các bệnh viêm nhiễm vùng kín, phần phụ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con sau này.
Vệ sinh đúng cách để phòng bệnh
Để tránh các bệnh viêm nhiễm vùng kín khi mang thai, chị em cần giữ vệ sinh tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton. Khi thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần đi khám bác sĩ. Không tắm bằng bồn lâu; không ngâm mình trong nước ao hồ hoặc những vùng nước bẩn khác.
Nên dùng nước ấm để làm sạch vùng kín. Không dùng xà phòng có tính sát khuẩn cao, không nên dùng thường xuyên dung dịch vệ sinh để rửa vùng kín vì các hóa chất trong dung dịch sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, làm mất độ pH tự nhiên trong môi trường âm đạo dễ gây khô rát, khó chịu.
Sau khi đi vệ sinh hoặc đi tiểu, cần làm sạch vùng kín bằng cách lau khô bằng khăn bông chuyên dụng. Khăn bông cần được thay giặt hàng ngày. Tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo, nhất là phụ nữ có thai vì dễ gây tổn thương cho vùng âm đạo và xuất huyết tử cung. Tránh giao hợp ở những tuần đầu mang thai và tháng cuối cùng vì sẽ nguy hiểm tới thai nhi, có thể dẫn tới sinh non. Trước và sau khi quan hệ, hai vợ chồng cần phải vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ. Tốt nhất người chồng nên dùng bao cao su, không xuất tinh vào trong âm đạo. Nếu có dấu hiệu bị viêm nhiễm như: ngứa, dịch âm đạo có mùi hôi... thì nên đi khám phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều lưu ý, các thai phụ khi mắc bệnh viêm vùng kín phải tới ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán. Tuyệt đối không được tự chữa trị khi chưa có hướng dẫn của các bác sĩ. Việc điều trị phụ khoa cho phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ cân nhắc cẩn trọng để chọn cách phù hợp để không ảnh hưởng tới thai nhi nên chị em không nên quá lo lắng và phải tuân thủ theo đúng chỉ định cũng như tái khám để biết bệnh đã được điều trị dứt điểm.