Hà Nội

Phụ nữ mang thai dễ bị trầm cảm khi bị áp lực sinh con trai

20-12-2021 10:34 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Có khoảng 10-20% phụ nữ trải qua tình trạng rối loạn tâm thần trong giai đoạn mang thai hoặc sau khi sinh. Tại Việt Nam, tình trạng trầm cảm sau sinh đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân gây trầm cảm thì có nhiều, nhưng áp lực phải sinh con trai là một trong những nguyên nhân chính.

Luôn hốt hoảng khi mang thai

Chị N.T.Q (Bắc Giang), mang thai lần thứ 6, là bé trai. Trước đó chị đã sinh 3 bé gái an toàn khỏe mạnh. Nhưng 2 lần thai lưu là bé trai, nên với lần mang thai này, chị Q bị ám ảnh và hoảng hốt lo sợ. Từ khi mang thai đến khi tìm mọi cách để biết được giới tính của con, mừng vui thì nhiều nhưng lo lắng căng thẳng cũng luôn đè nặng lên chị từng giây phút mỗi này. Chị không thể ăn ngon, đêm không ngủ, vì nỗi ám ảnh của những lần mang thai bé trai trước đây.

Do căng thẳng, chị bị viêm dạ dàytrào ngược dạ dày - thực quản, ho… Không ít lần chị và gia đình hốt hoảng đi cấp cứu, chỉ vì cơn ho khiến chị són tiểu, cùng với đau bụng khiến chị tưởng là "vỡ ối".

Chỉ đến khi em bé chào đời an toàn, ôm con trong tay khỏe mạnh rồi, chị mới òa khóc. Phần vì hạnh phúc, phần vì giải tỏa được gánh nặng trong lòng...

Chồng chị là con trai trưởng trong một gia đình, mẹ chồng chị hay ca thán về chuyện cháu "đích tôn, nối dõi tông đường". Tuy chồng chị không khi nào đòi hỏi, phàn nàn gì về việc chị không sinh được con trai, nhưng nhìn ánh mắt chồng cứ nhìn những bé trai nhà hàng xóm, nên chị hiểu và đã buộc phải cố gắng...

Phải sinh bằng được con trai, không chỉ người mẹ trầm cảm mà còn tạo áp lực cho trẻ trai khi đóng vai trò trụ cột trọng gia đình - Ảnh 1.

Mỗi một em bé được sinh ra, dù là trai hay gái, đều mang lại hạnh phúc và tình yêu thương cho mỗi gia đình.

Cũng hoàn cảnh lấy con trai độc nhất của một gia đình, chị H.T.H sau khi sinh 2 con gái, cũng phải vất vả suốt 15 năm tiếp theo, với 5 lần mang thai nữa mới sinh được một bé trai để "nối dõi tông đường".

Tại Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng thôn quê, tình trạng phụ nữ buộc phải chịu trách nhiệm cho việc sinh con trai cho gia đình nhà chồng là không hiếm gặp.

Khi sinh không được con trai theo ý muốn, người phụ nữ bị chồng và gia đình chồng hắt hủi cũng không ít. Ngoài ra, do gia đình nhà chồng hoặc người chồng muốn có con trai, khi người vợ không sinh được con trai theo ý muốn, người chồng bỏ rơi hoặc ly dị vợ; hoặc gia đình chồng ép con trai bỏ rơi vợ, để đi lấy vợ khác... Điều này đã dẫn tới tình trạng rối loạn tâm thần, trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh con ở phụ nữ.

Theo bà Trần Thơ Nhị, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết: Những ông chồng thích thai nhi là con trai thì nguy cơ của người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp gần 2 lần so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính".

Có thể thấy, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh.

Áp lực vô hình đè nặng lên bé trai

Về vấn đề áp lực sinh con trai để nối dõi tông đường, không chỉ tạo áp lực lên người mẹ, mà đứa trẻ khi sinh ra, vô hình đã chịu ngay áp lực về vai trò và trách nhiệm lớn lao trong mỗi gia đình, dòng họ. Gánh nặng về vai trò của các bé trai trong những gia đình này chính là luôn bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột gia đình, luôn tạo áp lực bản thân để cứng cỏi trong mắt mọi người về rất nhiều phương diện. Điều này có khiến tâm sinh lý của họ thay đổi và ảnh hưởng đến sự phát triển khi trưởng thành.

Trong một kết quả nghiên cứu "Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa", được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố, cho thấy: 17.51% nam giới thành thị, 13.09% ở nông thôn thấy cô đơn lạc lõng; 19.01% nam giới thành thị và 14,55% ở nông thôn cho biết mình đang gặp phải cảm giác chán nản thất vọng.

Cũng trong nghiên cứu này, hơn 97% nam giới cho rằng, họ cần là bờ vai che chở cho người khác, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai nghĩ mình không làm được điều này thường rất căng thẳng và xem như một thất bại.

Tóm lại, việc sinh bằng được con trai để "nối dõi tông đường" ở rất nhiều gia đình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, không chỉ tạo ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh, mà còn áp lực cho người mẹ và vô tình tạo gánh nặng cho trẻ trai ngay từ khi còn nhỏ.

Do đó, khi phụ nữ được nâng cao vị thế trong xã hội, tạo được mối quan hệ bình đẳng giữa hai giớ, thì những áp lực như trên sẽ được giải quyết.

Mời độc giả xem thêm video:

Dự báo F0 Hà Nội còn tăng mạnh, Hà Nội vẫn lúng túng việc cách ly F1 tại nhà.

Thu Hà
Ý kiến của bạn