Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết mới, số ca mắc và trở nặng đang gia tăng đột biến. Tính tới ngày 9/6, các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận 39.317 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 36 ca tử vong. Riêng TP.HCM ghi nhận hơn 13.520 ca mắc với 9 ca tử vong.
Ngoài các nhóm đối tượng trẻ dư cân béo phì, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhũ nhi thì phụ nữ mang thai cũng là đối tượng cần đặc biệt chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có thể dễ trở nặng và gây ra các biến chứng nặng nề ở thai phụ hơn so với các đối tượng khác.
Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết dễ trở nặng và gặp các biến chứng
Theo BSCKII. Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), phụ nữ mang thai thường sẽ xuất hiện tình trạng dư cân béo phì do thai phát triển lớn dần lên. Một phụ nữ mang thai có thể tăng từ 10 - 12kg tương đương với một em bé sanh ra với cân nặng khoảng 3kg. Trong khi, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm đã được cảnh báo đối với nhóm đối tượng thừa cân béo phì.
Phụ nữ mang thai sẽ có tình trạng hơi dư nước và khi đó HCT (chỉ số các tế bào hồng cầu trong máu, cho biết cơ thể bạn có quá nhiều hay quá ít tế bào hồng cầu) của họ cũng thấp hơn bình thường. Chỉ số HCT bình thường của một người bình thường trưởng thành khoảng 42- 45 % còn đối với phụ nữ mang thai thì ở khoảng 38 - 40 %. Khi bị mắc sốt xuất huyết thì bệnh nhân sẽ bắt đầu sẽ xuất hiện tình trạng cô đặc máu. Ở mức độ 40 - 42% cũng có thể xảy ra tình trạng cô đặc máu ở phụ nữ mang thai, mức độ này thấp hơn rất nhiều so với bình thường. Nếu phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết không được chuẩn đoán kịp thời thì sẽ gặp rất nhiều biến chứng nặng cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Bác sĩ Tiến chia sẻ: "Cho tới hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy phụ nữ mang thai mắc sốt suất huyết có thể lây cho trẻ, ngay cả trong y văn cũng chưa thấy. Nhưng thực tế cho thấy rằng khi phụ nữ mang thai có thể truyền virus Dengue gây sốt xuất huyết cho con.
Phụ nữ mang thai có thể lây sốt xuất huyết sang cho con bởi vì thời gian ủ bệnh thường giao động trong khoảng 3-14 ngày. Thời gian này, virus Dengue có thể truyền từ mẹ sang con.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm sốt xuất huyết từ mẹ trong quá trình sinh hoặc bị muỗi đốt sau sinh. Đây là các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết ngoài tử cung sau sinh. Vậy nên, phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi. Các trường hợp mang thai gần sinh bị mắc sốt xuất huyết thì cần được theo dõi đặc biệt hơn các đối tượng khác".
Nếu phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể gặp các biến chứng nặng như giảm tiểu cầu, sinh non, sảy thay, tiền sản giật...Vậy nên, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của sốt xuất cần lập tức tới các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ về quá trình điều trị và chế độ sinh hoạt tránh bệnh trở nặng.
Sốt xuất huyết rất nguy hiểm đối nhũ nhi cho nên cần theo dõi sát nhóm trẻ có mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết vì rất có thể trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết từ mẹ sang con. Trẻ cần được chăm sóc đặc biệt để có thể phát hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh sớm nhất và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Quá trình điều trị thai phụ mắc sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn
"Phụ nữ khi mang thai các hormon, cơ quan và bộ phận trên cơ thể sẽ có sự thay đổi để chuẩn bị cho quá trình sanh nở và nuôi con. Những sự thay đổi này cũng khiến cho việc điều trị sốt xuất huyết trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các bác sĩ phải cân nhắc rất cẩn thận để tìm hướng điều trị nào thích hợp nhất không gây ảnh hưởng tới thai nhi và những thay đổi đặc biệt ở phụ nữ mang thai", Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin thêm.
Các bác sĩ khuyên rằng, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng. Cần phải tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ. Bổ sung nhiều nước, ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh ăn thức ăn có màu đen và màu đỏ như socola, cocacola vì có thể gây lẫn lộn với máu trong xuất huyết tiêu hoá. Bà bầu có thể uống thêm vitamin C từ cam, chanh để tăng sức đề kháng, giúp cho người bệnh có thể vượt qua bệnh và ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhất.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ tái khám mỗi ngày theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu như không tái khám mỗi ngày thì có thể vào sốc hoặc xuất huyết tiêu hóa bất cứ lúc nào. Việc nhập tiền trễ khiến các bác sĩ gặp các khó khăn trong quá trình điều trị và bệnh nhân có thể tử vong.
Tránh điều trị theo các cái phương pháp phản khoa học như cạo gió, cắt lể, Giác hút. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị khi không có hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn.