Tôi đang mang thai tháng thứ bảy, thời gian gần đây tôi hay bị đau dạ dày, nhất là ban đêm lúc trước khi đi ngủ là bụng đói cồn cào, mặc dù trước đó tôi ăn tối rất nhiều và rất no. Trước khi có thai bé thứ hai tôi đã từng bị loét hành tá tràng. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi nên dùng thuốc gì chữa đau dạ dày mà không ảnh hưởng đến em bé? Chân thành cảm ơn bác sĩ!
Ngô Anh Ngọc (Yên Bái)
Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ đối mặt với nhiều thay đổi về tâm sinh lý và nội tiết. Một số bệnh từ trước khi mang thai sẽ có dịp quay trở lại hoặc tiến triển nặng hơn. Trường hợp của bạn đã có tiền sử mắc bệnh loét hành tá tràng rồi thì bạn càng phải thận trọng khi bệnh tái phát lúc mang thai. Việc điều trị thuốc khi bầu bí sẽ phải rất thận trọng vì thuốc có thể qua rau thai vào trong cơ thể thai nhi và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Do vậy, để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con, bạn cần lưu ý không tự dùng thuốc giảm đau hoặc bất kỳ loại thuốc nào khi không có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống sinh hoạt và bài thuốc từ thiên nhiên như sau:
Ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn mỗi ngày. Một bữa ăn quá no có thể làm căng đầy dạ dày và làm trầm trọng hơn tình trạng viêm dạ dày. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đảm bảo dinh dưỡng và tránh ăn quá chua, cay. Không uống đồ uống chứa cồn, caffein, hạn chế chocolate và kiểm soát thức ăn giàu gia vị vì chúng làm tăng tiết dịch axit trong dạ dày và gây nên những cơn co thắt trong dạ dày.
Bạn nên nghỉ ngơi ngay sau mỗi bữa ăn. Nếu vận động hoặc luyện tập thì phải làm sau ăn 2 - 3 giờ. Điều này khiến thức ăn được chuyển hóa tốt trong dạ dày và ruột; tránh được hiện tượng trào ngược thức ăn lên thực quản.
Bạn cũng nên phòng tránh căng thẳng, stress, nghỉ ngơi, vận động, hít thở sâu hợp lý sẽ giúp bạn tránh được dấu hiệu thừa axit trong dạ dày.
Về bài thuốc từ thiên nhiên, bạn có thể dùng một trong những cách sau:
Uống bột nghệ vàng trộn với mật ong vì nghệ vàng có tác dụng chống viêm loét dạ dày, giảm tiết dịch vị, lành vết loét. Mật ong cũng có tác dụng làm êm dịu, tránh kích ứng ở dạ dày.
Bạn cũng có thể uống nha đam (lô hội) bằng cách mỗi ngày dùng khoảng 10g lá tươi, gọt vỏ, lấy lớp nhựa trong đun sôi trong nước rồi uống. Nhựa của lô hội có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, tẩy xổ, dùng chữa chứng táo bón, nó còn giúp ức chế men pepsin và acid hydrochloric không tiết ra nhiều gây viêm loét dạ dày.
Dùng quả chuối sứ xanh, không cần chuối hột, phơi khô ở nhiệt độ thấp rồi đem tán thành bột. Mỗi ngày cho vào khẩu phần ăn một ít bột chuối sẽ tránh viêm loét dạ dày.
Chúc bạn mạnh khỏe!
BS. Mai Hương