Hà Nội

Phụ nữ mãn kinh có nên bổ sung nội tiết tố nữ?

31-07-2023 09:22 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Mãn kinh là giai đoạn cơ thể người phụ nữ ngày càng sản xuất ra ít hormone nội tiết tố nữ hơn. Khi hormone nội tiết tố thấp, có thể dẫn đến các triệu chứng bốc hỏa, khô âm đạo, loãng xương... Vậy có nên uống thuốc nội tiết tố nữ sau mãn kinh không?

1. Thiếu nội tiết tố nữ gây ra triệu chứng gì?

Phụ nữ mãn kinh thường thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen. Estrogen tự nhiên trong cơ thể có vai trò giúp phụ nữ có thân hình mềm mại, ngực - mông nở, eo thon và làn da mịn màng. Estrogen còn giúp bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản phát triển, tăng tiết dịch nhờn, chống nhiễm khuẩn. Ngoài chức năng đối với cơ quan sinh dục, sinh sản... estrogen còn có tác dụng bảo vệ tim mạch, ngừa xơ vữa động mạch, ổn định huyết áp, ngừa loãng xương…

Với phụ nữ trưởng thành, hai hormone estrogen và progesteron kết hợp sẽ tạo ra chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và duy trì khả năng tình dục.

Phụ nữ mãn kinh có nên bổ sung nội tiết tố progestin? - Ảnh 1.

Nội tiết tố nữ giảm dần theo tuổi.

Hàm lượng nội tiết tố nữ không ổn định mà thay đổi theo trạng thái sức khỏe, tuổi tác... Nội tiết tố ở nữ giới thường đạt đỉnh ở tuổi 20, có thể tăng/giảm trong thời kỳ mang thai, cho con bú. Đến tuổi trung niên, khoảng sau 40 tuổi, sự suy giảm nội tiết tố xảy ra nhiều hơn. Cho đến khi mãn kinh thì sự thiếu hụt nội tiết tố nữ suy giảm đến mức có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi bị thiếu hụt nội tiết tố nữ có thể gặp phải các triệu chứng rất dễ nhận thấy:

  • Rối loạn ăn uống, giảm lượng mỡ dưới da, tăng mỡ nội tạng khiến da trở nên khô, xuất hiện các nếp nhăn, chảy xệ và cơ thể dễ bị tăng cân, khó kiểm soát, dư thừa mỡ bụng. Vòng 1 dần mất đi sự săn chắc dẫn đến to ra và chảy xệ.
  • Khó quan hệ tình dục do giảm khả năng tiết dịch nhờn ở âm đạo. Khi quan hệ thường bị đau rát, khó đạt khoái cảm và dễ bị viêm nhiễm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.
  • Tim đập nhanh, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết khối...
  • Giảm khả năng tập trung, hay quên, dễ cáu gắt, chóng mặt, đau đầu…
  • Nóng lạnh bất thường, cơ thể dễ mệt mỏi, dễ căng thẳng, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
  • Dễ mắc bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu.
  • Đau nhức xương khớp...

2. Phụ nữ mãn kinh có cần dùng hormone nội tiết thay thế không?

Rất nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh gặp phải các triệu chứng khó chịu do suy giảm nội tiết tố. Ngoài các triệu chứng khó chịu, thì sự thiếu hụt này còn khiến ngoại hình của phụ nữ thay đổi theo chiều hướng xấu (tăng cân, tóc rụng, da nhăn, nám, đồi mồi xuất hiện nhiều)… Do đó nhiều người muốn sử dụng liệu pháp hormone thay thế để giúp kéo dài tuổi xuân.

Thuốc nội tiết tố nữ có thể chứa một loại hormone estrogen hoặc cả 2 loại estrogen và progestin, trong đó:

- Estrogen giúp giảm các triệu chứng bốc hỏa, khô âm đạo. Những triệu chứng này là do cơ thể giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh sản xuất ra ít estrogen.

- Progestin giúp giảm nguy cơ ung thư tử cung có thể gây ra do sử dụng estrogen. Trường hợp đã cắt bỏ tử cung không cần progestin và do đó không nên sử dụng thuốc kết hợp 2 thành phần.

Mặc dù thuốc nội tiết tố được bán khá sẵn tại các nhà thuốc, nhưng việc sử dụng thì không hề đơn giản. Thuốc đã được chứng minh có thể giúp cải thiện tình trạng bốc hỏa, teo khô âm đạo, giảm nguy cơ loãng xương… nhưng lại có nguy cơ làm gia tăng huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư vú...

Ngoài những tác dụng phụ lâu dài và khá nặng nề nêu trên, thì tác dụng phụ tức thì có thể gặp như: Nhức đầu, căng tức đau vú, rụng tóc, chảy máu âm đạo bất thường… Ngoài ra, các thuốc nội tiết tố này còn có thể tương tác bất lợi với một số thuốc khác. Do đó muốn dùng nội tiết tố trong giai đoạn mãn kinh, đều phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám toàn diện. Bệnh nhân cần kể hết các loại thuốc mình đang sử dụng với bác sĩ. Sau đó bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ rồi mới tư vấn và quyết định có cần sử dụng hay không.

Phụ nữ mãn kinh có nên bổ sung nội tiết tố progestin? - Ảnh 3.

Các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mãn kinh

Một số trường hợp sau đây bác sĩ sẽ cân nhắc việc dùng thuốc:

  • Có cơn bốc hỏa từ trung bình đến nghiêm trọng dẫn đến mất ngủ, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
  • Đau rát, khô ngứa, sợ hãi khi quan hệ tình dục.
  • Khi cần phòng ngừa tình trạng loãng xương và nguy cơ gãy xương do thiếu hụt nội tiết tố nữ.
  • Phụ nữ bị cắt buồng trứng trước tuổi 45; suy giảm chức năng buồng trứng sớm trước 40 tuổi.

Các trường hợp khác, có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt hormone nội tiết nữ bằng các biện pháp để kiểm soát cơn bốc hỏa:

  • Tập các môn thể dục như: Bơi, yoga, pilates, tập thở, ngồi thiền…
  • Hạn chế đồ uống có chứa caffeine, tránh uống rượu và giữ cơ thể luôn được thư giãn.
  • Nếu bị khô âm đạo, có thể lựa chọn các chất bôi trơn có thể giúp giảm khó chịu khi giao hợp...

Mời độc giả xem thêm video:

Phụ nữ tiền mãn kinh cần biết: 4 yếu tố chính gây giảm ham muốn tình dục.

ThS.Bạch Thị Cúc
Ý kiến của bạn