Hà Nội

Phụ nữ đừng im lặng chịu đựng cơn đau lạc nội mạc tử cung

21-09-2022 08:56 | Y học 360
google news

Tiếp nối thành công của các hoạt động hợp tác giữa Bayer, Hội Phụ Sản Việt Nam và Bệnh viện Phụ Sản TW, theo định kỳ vào 19/8 vừa qua, chương trình giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng bệnh nhân lạc nội mạc tử cung (LNMTC) và bác sĩ đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tại chương trình, nhiều chia sẻ quý báu từ bác sĩ gửi tới người bệnh nhận được sự hưởng ứng tốt đẹp từ cộng đồng bệnh nhân LNMTC.

Chương trình với sự tham dự của BSCK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ Khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và đại diện cộng đồng bệnh nhân LNMTC trên Facebook, chị Trần Thu Hương.

Phụ nữ đừng im lặng chịu đựng cơn đau lạc nội mạc tử cung - Ảnh 1.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích của các bệnh nhân LNMTC với tổng cộng hơn 300 câu hỏi từ gần 150 người tham dự được gửi về cho chương trình.

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh dễ tái phát và dai dẳng ở phụ nữ. Điểm đặc trưng của bệnh lý này là sự xuất hiện và phát triển của mô nội mạc tử cung bên ngoài tử cung, sau quá trình các mô nội mạc này bị phá vỡ và tái tạo nhiều lần theo chu kỳ kinh nguyệt. Tổn thương nội mạc tử cung lạc chỗ gây chảy máu tại cơ quan ngoài tử cung, điều này kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ và gây đau cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị tập trung vào mục đích giảm đau, làm chậm sự phát triển của bệnh, cải thiện khả năng sinh sản (nếu muốn) và ngăn ngừa tái phát.

Theo chia sẻ của các bệnh nhân LNMTC trong chương trình, người phụ nữ mắc bệnh này phải chịu nhiều nỗi đau thầm lặng. Người bệnh có thể phải đi khám rất nhiều bác sĩ mới phát hiện ra bệnh.

Thấu hiểu được nỗi đau thầm kín đó, BSCK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ Khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã có nhiều chia sẻ và trả lời nhiều câu hỏi của người bệnh về những triệu chứng, cách điều trị và giải pháp để sống, sống khỏe mạnh chung với căn bệnh LNMTC.

Tiếp nối thành công của các buổi giao lưu trước đó và tháng 3 và tháng 6, buổi giao lưu chia sẻ lần này giữa cộng đồng bệnh nhân LNMTC và bác sĩ điều trị tiếp tục giúp giải đáp thêm những thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân liên quan đến căn bệnh này ở chị em phụ nữ.

Bệnh nhân tham gia trong chương trình đã nhận được rất nhiều lời khuyên hữu ích từ các bác sĩ đầu ngành trong điều trị LNMTC. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ: "Tại Việt Nam có khoảng 20-30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Bệnh gây đau ở các mức độ khác nhau và gây vô sinh. Những cơn đau có thể tái phát dai dẳng, dữ dội khiến người bệnh căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể thuyên giảm nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị liệu pháp phù hợp lâu dài. Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý và chủ động hỏi ý kiến bác sĩ. Khi sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, nếu bị tác dụng ngoại ý, các bệnh nhân nên bình tĩnh để liên lạc với bác sĩ điều trị, không nên tự ý bỏ điều trị hoặc tự chuyển sang những liệu pháp khác nhau".

Phụ nữ đừng im lặng chịu đựng cơn đau lạc nội mạc tử cung - Ảnh 2.

Về phía Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, TS. Phạm Phương Lan, Trưởng phòng Đào tạo của bệnh viện chia sẻ: "Chương trình hướng đến bệnh nhân LNMTC phối hợp với công ty Bayer vừa qua nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bệnh nhân cho thấy, đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực với công đồng. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn của bệnh nhân LNMTC trên trang facebook Tư vấn Sản Phụ Khoa tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Chúng tôi hy vọng rằng, hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì để mang lại lợi ích cho cộng đồng bệnh nhân LNMTC ".

Bản ghi hình chương trình đầu tiên ngày 26 tháng 03 được đăng ở đường link dưới đây: https://fb.watch/dXFwbYUbsc/

Bản ghi hình video từ chương trình thứ 2 ngày 24 tháng 06 được đăng ở đường link sau: https://fb.watch/dXsaeSgHnH/

THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG:

1. Lạc nội mạc tử cung, ai dễ mắc?

Theo các chuyên gia y tế, lạc nội mạc tử cung thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhiều nhất trong độ tuổi từ 30-40. Với những phụ nữ đã mãn kinh thì ít khi gặp bệnh này. Ước tính trên thế giới có khoảng 6-10% phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn do có một số lượng lớn phụ nữ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý lành tính, mãn tính, phức tạp, và phụ thuộc nội tiết tố nữ estrogen. Bệnh có thể xuất hiện trong vùng chậu của người phụ nữLạc nội mạc tử cung vào buông trứng hình thành nên các khối u buồng trứng quan sát được qua siêu âm,  mà các bác sĩ gọi là các nang lạc nội mạc tử cung, trong nang chứa dịch màu nâu sánh như chocolat. Lạc nội mạc tử cung còn có thể được phát hiện ngoài vùng chậu tại các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

Những đối tượng dễ mắc lạc nội mạc tử cung là phụ nữ chưa sinh con; Có kinh nguyệt sớm: trước 11 tuổi; Mãn kinh muộn; Chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày); Chảy máu nhiều và kéo dài > 7 ngày trong kỳ kinh nguyệt; Nồng độ estrogen trong cơ thể cao; Chỉ số khối cơ thể thấp (gầy hay suy dinh dưỡng); Bệnh có tính di truyền: Mẹ, dì hay chị em gái từng mắc lạc nội mạc tử cung; Bất kỳ nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt không thoát ra ngoài cơ thể được; Bất thường cơ quan sinh dục…

Hiện nay có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung và giả thuyết trào ngược máu kinh từ buồng tử cung vào trong bụng được chấp nhận nhiều nhất, ngoài ra các phát hiện mới gần đây cho thấy lạc nội mạc tử cung còn liên quan đến bất thường cấu trúc giải phẫu, nhiễm trùng, miễn dịch, rối loạn nội tiết, yếu tố gia đình ...

2. Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng ban đầu của lạc nội mạc tử cung là đau ở vùng chậu, thường trong kỳ kinh. Cơn đau này có xu hướng tăng dần theo thời gian. Các triệu chứng khác bao gồm:

- Đau bụng kinh

- Đau vùng chậu

- Đau khi giao hợp

- Chảy máu ồ ạt

Một số các biểu hiện và triệu chứng khác như mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn... diễn ra trong suốt đợt hành kinh. Người bị lạc nội mạc tử cung rất khó thụ thai.

Lạc nội mạc tử cung có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác gây ra triệu chứng đau vùng chậu như viêm vùng chậu, u buồng trứng. Bệnh lý này cũng có thể bị nhầm với hội chứng ruột kích thích, với các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng.

Phụ nữ đừng im lặng chịu đựng cơn đau lạc nội mạc tử cung - Ảnh 3.

3. Điều trị LNMTC: 

Điều trị lạc nội mạc tử cung có nhiều phương pháp khác nhau bao gồm ngoại khoa và nội khoa. Mục tiêu điều trị nên được dựa trên nhu cầu của bệnh nhân kết hợp với điều trị giảm đau, giảm tiến triển và giảm tái phát bệnh hoặc tăng khả năng có thai, cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc phẫu thuật để giảm đau cho bệnh nhân chỉ nên được thực hiện ở thời điểm sau khi nội khoa không đáp ứng, hạn chế phẫu thuật lặp đi lặp lại, bảo tồn dự trữ buồng trứng. 

4. Cách giảm nguy cơ mắc bệnh

Các chuyên gia lưu ý, mặc dù không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn lạc nội mạc tử cung, phụ nữ vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh như:

- Tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tỷ lệ mỡ cơ thể;

- Tránh đồ uống có cồn;

- Khám sức khỏe tổng thể thường xuyên để phát hiện các bất thường...

- Đặc biệt, khi có dấu hiệu bệnh thì cần đi khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể.

Người bệnh lạc nội mạc tử cung có thể tham khảo thêm các thông tin về bệnh qua trang website dành riêng cho bệnh nhân LNMTC dưới đây: https://myendosis.org/vi/


PV
Ý kiến của bạn