Tìm mối liên quan của ung thư với hormone estrogen và progesterone người ta thấy nguyên nhân của tình trạng nói trên là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.
Ung thư vú, một loại bệnh lý liên quan đến sự phát triển không kiểm soát của tế bào tuyến vú. Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ ngoài 30 tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Vì thế, chị em phụ nữ không thể chủ quan. Hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của mình.
Trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ trong công tác sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú. Việc sàng lọc giúp phát hiện sớm ung thư vú giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn hoặc ổn định bệnh lâu dài. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khám, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển và di căn, cơ hội chữa khỏi bệnh đã giảm đi nhiều.
Tiêu biểu là bệnh nhân nữ, 56 tuổi, không có bệnh lý kết hợp, không có tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, phụ khoa.
Khoảng tháng 3 năm 2022 bệnh nhân tự phát hiện thấy có khối u ¼ trên trong vú trái. Sau khi đi khám các bác sĩ cho biết khối u nhỏ 1 cm, cứng chắc, không đau, di động được… nên bệnh nhân yên tâm không điều trị.
Tuy nhiên, thời gian sau bệnh nhân thấy kích thước u tăng dần. Khoảng tháng 5 năm 2022, đi khám các bác sĩ cho biết kích thước khối u 3x4 cm, cứng, đau. Sau đó bệnh nhân đã đến Bệnh viện TWQĐ 108 để khám và kết quả sinh thiết tổn thương vú cho thấy bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập độ 3.
Mặc dù được phát hiện ung thư nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị theo chỉ định của các bác sĩ mà về nhà tự uống thuốc nam. Tuy nhiên, khối u không nhỏ lại như mong muốn mà phát triển to nhanh về kích thước, xâm lấn da, tạo khối lớn sùi loét, chảy máu.
Tháng 7/2022, tình trạng tổn thương vú của bệnh nhân ngày càng nặng, xâm lấn mạch máu gây chảy máu thành tia, bệnh nhân hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi nhiều vào cấp cứu tại Bệnh viện TWQĐ 108 được cầm máu. Ngày 26/7 bệnh nhân điều trị trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém.
Hình ảnh khối u lúc nhập viện, sau khi được cầm máu khối u lớn 10x8 cm chiếm toàn bộ vú trái, chảy dịch, rướm máu, cứng chắc, ấn đau, di động, chưa xâm lấn ngực. Hạch nách trái nhiều hạch dính nhau thành đám… Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô vú trái xâm nhập độ 3.
Sau điều trị hóa chất tân bổ trợ phác đồ 4AC – 4T với phác đồ 8 chu kỳ, cách nhau mỗi 2 tuần. Kếu quả khối u vú và hạch nách của bệnh nhân đã đáp ứng hoàn toàn trên lâm sàng. Không sờ thấy u và hạch trên lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính còn tổn thương dạng xơ tại vị trí u vú. Tổn thương loét liền hoàn toàn.
Cần kiểm tra phát hiện sớm ung thư vú và thực hiện chỉ định của bác sĩ
Phát hiện sớm là yếu tố quan trọng trong việc thoát khỏi căn bệnh ung thư vú. Việc kiểm tra định kỳ và theo dõi sự thay đổi của ngực có thể giúp phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sớm nhất có thể. Nếu phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu, cơ hội hồi phục và sống sót của bệnh nhân sẽ cao hơn nhiều so với khi phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, hãy chăm sóc ngực của mình và đến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra định kỳ.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư vú có thể bao gồm các triệu chứng sau:
- Cục u không đau ở vú
- Ngứa và phát ban kéo dài quanh núm vú
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú
- Vùng da trên vú sưng và dày lên
- Vùng da trên vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo
- Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong
- Vùng nách sưng, đau hoặc có u.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, cần lưu ý:
- Độ tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: Như xơ vú, áp xe vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn.
- Người có tiền sử ung thư: Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.
- Liên quan đến hormone estrogen và progesterone. Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.
- Thừa cân béo phì: Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…
- Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Lời khuyên của bác sĩ
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh.
- Khám vú tại nhà: Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; Ăn nhiều rau củ quả: những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 - 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate.
- Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.