Thai ngoài tử cung - Không chỉ là đau bụng thông thường
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau bụng dưới ở nữ giới như: rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu, u nang buồng trứng... Tuy nhiên, trong những trường hợp phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt nếu có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai và thấy đau bụng dưới kéo dài thì cần nghĩ đến khả năng mang thai ngoài tử cung.
Trường hợp bệnh nhân H.T.T. (27 tuổi, trú tại Hà Nội) là minh chứng điển hình. Sau khi thấy đau bụng âm ỉ nhiều ngày, kèm theo ra máu âm đạo nhỏ giọt kéo dài, chị nghĩ mình sắp có kinh nên không đi khám. Mãi đến khi cơn đau dữ dội, vã mồ hôi, chóng mặt và ngất xỉu, gia đình mới đưa chị đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị bị thai ngoài tử cung vỡ, mất nhiều máu trong ổ bụng, buộc phải phẫu thuật khẩn cấp để giữ tính mạng.
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung như bình thường, mà lại phát triển ở vị trí khác – phổ biến nhất là vòi trứng, ngoài ra có thể gặp ở buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí là ổ bụng. Thai không thể phát triển bình thường ở những vị trí này, và nếu để kéo dài sẽ gây vỡ, chảy máu trong ổ bụng – một biến chứng nguy hiểm.
Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Siêu âm trong 6 tuần đầu để xác định vị trí túi thai trong buồng tử cung.
Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
Triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung khá mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn sinh lý thông thường. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu điển hình cần đặc biệt lưu ý:
- Chậm kinh: là biểu hiện đầu tiên, tương tự như mang thai bình thường.
- Ra máu âm đạo bất thường: máu thường ra ít, sẫm màu, không trùng chu kỳ kinh.
- Đau bụng dưới kéo dài: âm ỉ hoặc dữ dội một bên bụng, có thể tăng dần theo thời gian.
- Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng: nhất là khi thai ngoài tử cung bị vỡ, người bệnh có thể ngất xỉu do tụt huyết áp, mất máu nhiều.
- Đau vai hoặc đau trực tràng: do máu chảy trong ổ bụng kích thích các dây thần kinh.
Nguyên nhân nào gây thai ngoài tử cung?
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến thai ngoài tử cung, bao gồm:
- Tiền sử viêm nhiễm vùng chậu (do lậu, chlamydia...): làm hẹp vòi trứng, cản trở sự di chuyển của trứng đã thụ tinh.
- Phẫu thuật vòi trứng hoặc vùng bụng trước đó
- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản
- Hút thuốc lá
- Đặt vòng tránh thai (mặc dù hiệu quả ngừa thai cao nhưng nếu có thai, nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn).
- Mang thai khi tuổi đã cao
Thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?
Nếu không được phát hiện sớm, thai ngoài tử cung có thể vỡ, gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, dẫn đến sốc mất máu, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Tại nhiều bệnh viện hay các cơ sở y tế địa phương, không ít ca cấp cứu vì vỡ thai ngoài tử cung được ghi nhận trong tình trạng nguy kịch.
Ngoài ra, thai ngoài tử cung còn làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ, đặc biệt nếu phải cắt bỏ một hoặc cả hai vòi trứng.
Điều trị: Càng sớm, càng giảm rủi ro
Hiện nay, điều trị thai ngoài tử cung tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện:
- Nếu phát hiện sớm, khi chưa có biến chứng, bác sĩ có thể sử dụng thuốc để ngăn không cho phôi thai phát triển, đồng thời theo dõi sát hCG máu.
- Nếu thai ngoài tử cung đã lớn hoặc có nguy cơ vỡ, cần phẫu thuật – có thể mổ nội soi để bảo tồn vòi trứng nếu điều kiện cho phép, hoặc mổ hở trong trường hợp khẩn cấp.
Việc điều trị cần được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm bảo an toàn và phục hồi tốt nhất.
Làm sao để phòng ngừa và theo dõi hiệu quả?
Chị em phụ nữ cần lưu ý:
- Đi khám ngay khi chậm kinh và có biểu hiện đau bụng dưới, đặc biệt nếu đã từng mang thai ngoài tử cung hoặc có yếu tố nguy cơ.
- Khám thai sớm ngay khi biết mình có thai: Siêu âm trong 6 tuần đầu để xác định vị trí túi thai trong buồng tử cung hay không.
- Điều trị triệt để các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa
- Không hút thuốc lá, tránh các yếu tố làm tổn thương vòi trứng.
- Sử dụng biện pháp tránh thai an toàn và đúng cách
Đừng xem thường cơn đau bụng dưới. Có thể đó chỉ là cơn co thắt thông thường, nhưng cũng có thể là lời cảnh báo về một nguy cơ đe dọa đến tính mạng – thai ngoài tử cung. Phát hiện sớm là yếu tố sống còn. Đừng chờ đến khi đau quặn, choáng váng, ngất lịm mới cuống cuồng đi viện.