Phụ nữ đang cho con bú còn băn khoăn khi tiêm vaccine COVID-19, đọc bài này sẽ rõ

05-08-2021 10:07 | Dược

SKĐS- Nhiều người băn khoăn, đặc biệt là phụ nữ cho con bú: Tiêm hay không tiêm vaccine phòng COVID-19?

Phụ nữ cho con bú có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp. Trong khi chờ đợi thuốc điều trị COVID-19 thì việc tiêm vaccine vẫn được các chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn, đặc biệt là phụ nữ  cho con bú: Tiêm hay không tiêm vaccine phòng COVID-19?

Nuôi con bằng sữa mẹ: Tốt mẹ, khỏe con

Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển bền vững, giúp cải thiện dinh dưỡng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Phụ nữ cho con bú có nên tiêm vaccine phòng COVID-19? - Ảnh 1.

Sữa mẹ giúp thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ.

Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh. Sữa mẹ giúp thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ, kích thích sự phát triển của não. 

Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ.

Việc cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau, tránh mất máu cho mẹ, kích thích tăng cường sản xuất sữa, giúp phòng cương tức sữa cho mẹ. 

Trẻ bú mẹ giúp kích thích co hồi tử cung tốt. Đồng thời, trẻ bú mẹ tiết kiệm chi phí, tăng cường tình cảm mẹ con. Ngoài ra, trẻ bú mẹ tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, cổ tử cung)...

Hiệu quả của tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 được sử dụng hiện nay là loại vaccine tái tổ hợp, không chứa virus sống. 

Dựa trên cơ chế hoạt động của vaccine trong cơ thể con người, vaccine COVID-19 được cho là rất an toàn, không gây nguy hại đến phụ nữ cho con bú hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ.

photo-1628124943593

Phụ nữ cho con bú có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Đồng thời, việc tiêm vaccine cũng không thể gây ra nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ. 

Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 và vẫn tiếp tục cho con bú sau khi tiêm.

Lưu ý, phụ nữ đang cho con bú có bị nhiễm hoặc không bị nhiễm COVID-19, vẫn cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi cho con bú hoặc vắt sữa bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch. 

Nếu không có xà phòng và nước sạch, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có nồng độ cồn tối thiểu 60%. Người mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang trong suốt thời gian cho con bú, vắt sữa và chăm sóc trẻ.

Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vaccine của Astra Zeneca phòng COVID-19 thuộc Chương trình Tiêm chủng Quốc gia) cũng khuyến cáo, phụ nữ cho con bú nên tiêm vaccine nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ như nhân viên y tế. Không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

Cho con bú đúng cách

Thời điểm cho trẻ bú

Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng 1 giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú, bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ (Prolactin, Oxytoxin), bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm, trẻ được bú sữa non - sữa non có nhiều chất dinh dưỡng quý, có nhiều kháng thể sẽ phòng bệnh được tốt. 

Bú sớm có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu cho người mẹ sau đẻ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm. 

Không nên cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa công thức và không cho trẻ bú bình trước khi cho trẻ bú mẹ và khi sữa chưa về. 

Số lần trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều lần để kích thích bài tiết sữa tốt hơn. 

Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ. Nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày, cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không.

Tư thế cho trẻ bú

Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi cho bú, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: Miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. 

Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

Thời gian trẻ cai sữa

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non, yếu không mút được vú mẹ hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị mắc một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc. 

Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.


Xem thêm video đang được quan tâm:

Bo truong noi ve 4 trung tam hoi suc

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng-Viện Dinh dưỡng
Ý kiến của bạn