Phụ nữ có thai và nhân viên y tế

14-10-2018 07:02 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong các bệnh truyền nhiễm có thể mắc ở thời kỳ mang thai, có một số bệnh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, dẫn tới khả năng thai chết lưu, sẩy thai, hoặc đứa con sinh ra có di chứng bẩm sinh.

Phụ nữ có thai

Trong các bệnh truyền nhiễm có thể mắc ở thời kỳ mang thai, có một số bệnh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, dẫn tới khả năng thai chết lưu, sẩy thai, hoặc đứa con sinh ra có di chứng bẩm sinh. Ngoài ra, đa số phụ nữ có thai là người trẻ tuổi, thường ở vào giai đoạn mà miễn dịch thu được nhờ các mũi tiêm cơ bản trước đó bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân họ và con của họ trong thời gian mới sinh.

Các vắc-xin khuyến cáo sử dụng

Vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (Td/TDap): Là những vắc-xin bất hoạt và giải độc tố, an toàn cao. Cần tiêm nhắc lại để dự phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà cho phụ nữ mang thai và truyền kháng thể thụ động cho con của họ nhằm bảo vệ trẻ trong những tháng đầu sau khi sinh.

Vắc-xin viêm gan B: Nên hoàn thiện liều cơ bản đối với vắc-xin viêm gan B cho những người chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin này, hoặc tiêm một liều nhắc theo quy định hoặc theo chỉ định của bác sĩ để chủ động phòng nhiễm virut viêm gan B.

Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho các nhóm đặc biệtTiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương.

Vắc-xin cúm mùa: Cúm mùa là một bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi nếu phụ nữ nhiễm cúm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Nên tiêm nhắc lại 1 liều vắc-xin cúm mùa theo quy định vào bất kỳ lúc nào của thai kỳ.

Một số lưu ý

Phụ nữ có thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ không được sử dụng các vắc-xin sống, giảm độc lực, bao gồm: sởi đơn, sởi và Rubella (MR), sởi - quai bị - Rubella (MMR), cúm sống, bại liệt uống (OPV), Rota sống, lao (BCG sống), thủy đậu sống và vắc-xin phế cầu PCV.

Tham khảo thêm ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi\ thực hiện mỗi liều tiêm chủng.

Nhân viên y tế

Nhân viên y tế làm việc ở cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, phòng khám nội ngoại trú, trạm y tế cơ sở, nhân viên y tế dự phòng) thường xuyên tiếp xúc với người bệnh nên có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng. Đồng thời họ cũng có thể là nguồn truyền nhiễm làm lây truyền cho bệnh nhân.

Các vắc-xin khuyến cáo

Vắc-xin viêm gan B: Nên hoàn thiện liều cơ bản đối với vắc-xin viêm gan B cho những người chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin này, hoặc tiêm một liều nhắc theo quy định để chủ động phòng nhiễm virut viêm gan B.

Vắc-xin cúm mùa: Nên tiêm nhắc lại 1 liều vắc-xin cúm mùa hàng năm.

Vắc-xin sởi - quai bị -Rubella (MMR): Nên hoàn thiện liều cơ bản đối với vắc-xin sởi - quai bị - Rubella cho những người chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin này, hoặc tiêm một liều nhắc theo quy định để chủ động phòng bệnh.

Vắc-xin thủy đậu: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản vắc-xin thủy đậu cho những người chưa tiêm đủ hoặc 1 liều nhắc lại theo quy định nếu đã dùng lịch tiêm cơ bản để phòng bệnh thủy đậu.

Vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (Td/TDap): Cần tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch chủ động dự phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà.

Vắc-xin não mô cầu: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hay tiêm nhắc lại một liều theo quy định.


Linh Giang
Ý kiến của bạn