Hà Nội

Phụ nữ có thai dùng cá chép thế nào để hiệu quả, an toàn

SKĐS - Cá chép là món ăn, bài thuốc thường được sử dụng trong dân gian với tác dụng an thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng cá chép vừa hiệu quả, vừa an toàn với phụ nữ có thai.

Công dụng của cá chép

Cá chép Đông y gọi là Lý ngư, có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, thận, có tác dụng lợi thủy, tiêu thũng, hạ khí, thông nhũ.

Trong Đông y, cá chép thường được sử dụng điều trị các bệnh phù thũng, trướng mãn, vàng da, ho khí nghịch, thông sữa. Đối với phụ nữ có thai, đây là một vị thuốc an thai, có thể chữa phù nề và các chứng thai động không yên.

Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, thịt cá chép chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng. Trong 100 gram thịt cá chép có khoảng 17,3 gram protein, 5,1 gram chất béo, 25 mg canxi, 175 mg phốt pho, và 1,6 mg sắt.

Các axit amin tự do chủ yếu trong thịt cá chép bao gồm acid glutamic, glycine, và histidine đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hương vị của loại thịt này.

Về vitamin, trong 100 gram thịt cá chép có 20 IU vitamin A, 400 μg vitamin B1, 80 μg vitamin B2, từ 2,0 đến 3,1 mg niacin, và 0,15 mg vitamin C. 

Ngoài ra, thịt cá chép còn chứa các enzyme protease A, B, và C, có lợi cho quá trình tiêu hóa và chuyển hóa dinh dưỡng. Đây là nguồn dinh dưỡng quý báu, rất tốt cho phụ nữ có thai.

20210617_081857_794644_9160_max_1800x1800_jpg_7f9e0cb996.jpg

Cá chép chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai.

Cá chép với phụ nữ có thai

Từ xa xưa, cá chép đã được chứng minh là có nhiều lợi ích đối với phụ nữ có thai.

Cung cấp chất dinh dưỡng cao: Vì cá chép có giá trị dinh dưỡng và y học cao, chứa nhiều protein, khoáng chất và vitamin, đây là một nguồn dinh dưỡng vô cùng đáng quý và hữu ích cho phụ nữ mang thai.

Cá chép chữa phù nề: Phụ nữ mang thai trong tháng thứ 5 - 6 thường bị phù tay, chân và bắp chân. Ăn cá chép giúp lợi tiểu và chữa phù nề. Nếu nấu cá chép với đậu đỏ sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Cá chép có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng rỉ ối: Phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu do cảm xúc dao động, bị ngã hoặc chấn thương dễ dẫn đến chảy máu âm đạo, tức là rỉ ối.

Nếu kèm theo cảm giác thai nhi tụt xuống bụng dưới, sẽ gây ra tình trạng thai động không yên. Hai tình trạng này đều không tốt, nếu ăn một ít cá chép, có thể giúp loại bỏ tình trạng rỉ ối. 

Tốt nhất phụ nữ mang thai nên tìm đến bác sĩ sản khoa để được tư vấn.

Chú ý khi dùng cá chép

Chế độ ăn uống trong thời kỳ mang thai cần đặc biệt chú ý đến sự cân bằng, nên ăn nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa và hấp thụ. 

Cá chép chứa nhiều vitamin và khoáng chất, là thực phẩm cần thiết trong thời kỳ mang thai để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cũng cần chú ý một số điều khi ăn cá chép.

Không nên ăn quá nhiều: Phụ nữ mang thai có thể ăn cá chép, nhưng không nên ăn quá nhiều vì có thể gây hại cho sức khỏe của phụ nữ mang thai.

Chọn cá chép tươi ngon: Trong thời kỳ mang thai, chức năng tiêu hóa thường giảm sút. Nếu ăn thực phẩm không sạch sẽ có thể gây ra khó chịu cho dạ dày và ruột, vì vậy nên ăn cá chép tươi, sạch, đồng thời nên ăn ngay sau khi mua.

Phương pháp nấu ăn nên lành mạnh: Chế độ ăn uống trong thời kỳ mang thai không nên ăn quá đậm đà nên trong khi nấu cháo cá chép không nên sử dụng quá nhiều muối.

Khi ăn cá chép, nên tránh phương pháp nấu nướng có nhiều dầu mỡ và nhiệt độ cao kéo dài để tránh nóng trong người và khó tiêu

Ngoài ra, axit amin trong cá chép rất dễ bị phá hủy, vì vậy nên tránh nấu ở nhiệt độ quá cao.

Những người bị dị ứng với cá chép không nên ăn. Cá chép cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, vì vậy nên cẩn thận khi sử dụng.

loi-ich-cua-chao-ca-chep-cho-ba-bau-845x564.jpg

Cháo cá chép là món ăn bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai.

Cách nấu cháo cá chép

Nguyên liệu: Một con cá chép sống (khoảng 500 gram), 20-30 gram củ gai, 50 gram gạo nếp, hành, gừng, dầu, muối vừa đủ.

Cách làm:

Cá chép đánh vảy, làm sạch ruột, rửa sạch và cắt thành miếng, sau đó nấu canh.

Lấy củ gai, thêm 200 ml nước, đun sôi cho đến khi còn lại 100 ml, sau đó lọc bỏ bã, giữ lại phần nước. Cho nước này vào canh cá chép, thêm gạo nếp, hành, gừng, dầu và muối vừa đủ, nấu thành cháo loãng.

Công dụng: Ăn khi còn nóng vào buổi sáng và buổi tối, mỗi liệu trình kéo dài 3 - 5 ngày. Có tác dụng an thai, cầm máu, giảm sưng phù. Đây là món ăn thích hợp cho các trường hợp thai động không yên, rỉ máu thai, phù nề khi mang thai.

Thai động không yên là một bệnh cảnh nguy hiểm, cần xử trí kịp thời, và có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến. Cá chép chỉ là một trong rất nhiều các vị thuốc Đông y có tác dụng an thai trong một số trường hợp nhất định.

Vì vậy khi sử dụng cá chép để an thai chỉ nên sử dụng đúng với những trường hợp mà cá chép có thể hỗ trợ, khi có những dấu hiệu bất thường tốt nhất thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Mời bạn xem tiếp video:

Hy vọng mới cho các bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua ở Quảng Nam | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn