Bệnh sỏi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh gặp ở phụ nữ cao hơn gấp 4 - 6 lần so với nam giới.
Nguyên nhân gây bệnh
Trong cơ thể, mật được gan sản xuất ra và dự trữ trong túi mật. Mật có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa các chất béo. Khi mật chứa quá nhiều cholesterol hay sắc tố mật sẽ dần dần hình thành các tinh thể được gọi là sỏi mật. Sỏi mật là những hạt sỏi cứng có kích thước thay đổi từ vài milimét đến vài centimét. Thành phần chủ yếu của sỏi mật là cholesterol, muối mật và calcium. Hiện nay, y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, có một số yếu tố thuận lợi gây ra bệnh là do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do phụ nữ sinh đẻ nhiều, biến chứng từ một số bệnh tiêu hóa như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng... Bệnh béo phì; Rối loạn mỡ máu; do dùng thuốc: thuốc ở các bệnh nhân: xơ gan, cắt dạ dày, nuôi dưỡng lâu dài bằng đường tĩnh mạch, béo phì; dư thừa hormon nữ (estrogen); sử dụng thuốc giảm cholesterol kéo dài; bệnh tiểu đường; giảm cân quá nhanh; nhịn đói triền miên; nhiễm ký sinh trùng đường ruột… khi sử dụng thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.
Sỏi mật có thể phát sinh ở các ống dẫn mật trong gan, ở ống mật chủ hoặc ở túi mật.
Triệu chứng nhận biết bệnh sỏi mật
Tùy theo vị trí của sỏi mà có các triệu chứng có thể khác nhau. Thường thì nếu sỏi trong gan hay sỏi ở ống mật chủ thì ít triệu chứng, thậm chí nếu sỏi nhỏ, không gây tắc mật thì sẽ không có biểu hiện gì, chỉ khi tình cờ làm siêu âm hoặc chụp Xquang vùng gan mật mới phát hiện ra sỏi. Nhưng nếu sỏi to thì thường có các triệu chứng khá rầm rộ mà điển hình là đau, sốt, vàng da…
Đau: Trường hợp điển hình, người bệnh có cơn đau bụng gan, cụ thể: đau đột ngột, dữ dội vùng hạ sườn phải, lan lên vai phải hoặc ra sau lưng, đau làm người bệnh lăn lộn, không dám thở mạnh kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Có khi đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đôi khi đau ở vùng thượng vị, lan lên ngực. Các cơn đau thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc bữa ăn nhiều mỡ.
Sốt: khi bị nhiễm trùng đường mật, có thể sốt cao đột ngột kèm rét run nhưng cũng có khi chỉ sốt nhẹ 3705 - 380, có khi sốt kéo dài. Nếu không có nhiễm trùng thì không sốt.
Vàng da: Da và niêm mạc mắt vàng do tắc mật, xuất hiện khi sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan, tùy theo mức độ tắc mật mà vàng nhẹ hay vàng đậm. Nếu chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.
Rối loạn tiêu hóa: Chậm tiêu, bụng đầy trướng, sợ mỡ, táo bón hoặc tiêu chảy.
Phương pháp điều trị bệnh sỏi mật
Tuỳ vị trí của sỏi và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật nội soi hoặc mổ phanh).
Nội khoa: sử dụng thuốc để làm tan sỏi mật, quá trình điều trị diễn ra trong một thời gian dài. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong trường hợp bệnh sỏi mật hay tái phát.
Với sỏi túi mật: người ta dùng thuốc làm tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài 6 - 24 tháng. Ngày nay, các bệnh viện hay tán sỏi bằng sóng hoặc làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất. Cũng có thể cắt túi mật qua đường nội soi, là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay vì hồi phục sức khỏe nhanh và rút ngắn thời gian nằm viện. Cũng có thể cắt túi mật bằng mổ phanh.
Với sỏi trong gan và ống mật chủ: có thể lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật. Cũng có thể tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng hoặc phẫu thuật để lấy sỏi.
Phòng ngừa bệnh sỏi mật thế nào?
Một chế độ ăn uống cân bằng ít chất béo, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, tránh béo phì… sẽ góp phần giảm thiểu các yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh sỏi mật.
Người bị sỏi mật ăn giảm mỡ: ăn ít thực phẩm chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, trứng...; ăn tăng đạm như thịt nạc, cá, sữa, hạt đậu các loại… để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan; ăn thức ăn giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật, có nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt, tránh táo bón; ăn các thức ăn có giàu vitamin C và nhóm B như rau, hoa quả tươi. Tỉ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, đường, mỡ ở người bị sỏi mật tốt nhất nên là 1/5/0,5 (ở người trưởng thành bình thường là 1/5/0,75).
Thức ăn nên dùng: Nước quả, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như thịt lợn thăn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra, nên dùng một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, lá vọng cách, lá đinh lăng và các thức kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng như bơ, dầu ôliu, dầu vừng, mỡ gà vịt. Hạn chế dùng: trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt cá có nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng, kiêng rượu, bia, thuốc lá. Tránh ăn quá no và tránh để quá đói. Lao động và vận động vừa sức. Tránh lo lắng, suy nghĩ, mất ngủ. Tránh cáu giận. Năng vận động ngừa thừa cân béo phì, điều trị dứt các bệnh có nguy cơ sỏi mật - các bệnh nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa… Không giảm cân quá nhanh, không nhịn đói triền miên. Ăn uống hợp lý, khoa học, cân đối trong khẩu phần ăn, không nên ăn một loại thức ăn nhiều quá, cũng không nên quá kiêng khem. Khi bị bệnh sỏi mật cần khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và điều trị kịp thời.