1. Kinh nguyệt có gây thiếu máu không?
Thiếu sắt và thiếu máu ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt những người đang trong thời kỳ kinh nguyệt cần hiểu về nguy cơ và cách nhận biết các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt, cách bổ sung sắt.
Thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu sắt; sử dụng chất ngăn cản hấp thụ sắt; Phụ nữ mất máu khi hành kinh, khi sinh đẻ…
Máu trong cơ thể thường chứa sắt trong các tế bào hồng cầu. Vì vậy, nếu bị mất máu sẽ mất một lượng sắt tỷ lệ thuận với máu. Phụ nữ có kinh nguyệt trong các chu kỳ hàng tháng ra nhiều máu có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu ớt trong kỳ kinh nguyệt đôi khi là bình thường nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu. Thiếu máu phụ thuộc vào lượng máu mất trong khi hành kinh, đặc biệt là tình trạng kinh nguyệt nhiều (hay còn gọi là rong kinh).
2. Cách nhận biết cơ thể thiếu máu do kinh nguyệt nhiều
Rong kinh là nguyên nhân thường gặp nhất gây thiếu máu dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai bị rong kinh cũng nhận ra rằng họ đang có nguy cơ bị thiếu máu.
Theo BSCKI. Hoàng Hường, chuyên Sản Phụ khoa, chu kỳ kinh kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và nguy cơ viêm nhiễm mà còn có thể gây thiếu máu.
Tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng thiếu máu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Biểu hiện rõ nhất của thiếu máu là: mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao, chóng mặt, khó thở, nhức đầu, mất tập trung, tâm trạng cáu kỉnh, suy nhược cơ thể… Về lâu dài có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Thông thường, mỗi kỳ kinh ra máu thường kéo dài từ 3-4 ngày. Khi kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Cách đơn giản nhất để nhận biết có bị rong kinh hay không là bạn cần lưu ý tần suất thay băng vệ sinh. Nếu máu kinh quá nhiều để cần thay băng vệ sinh liên tục, đau bụng dưới, bị chảy máu kinh kéo dài hơn một tuần thì bạn đang bị rong kinh.
3. Phụ nữ có cần bổ sung sắt khi có kinh nguyệt không?
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phòng khám Đa khoa Pasteu cho biết, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt là một lựa chọn lý tưởng nhất. Nhu cầu sắt hằng ngày phụ thuộc vào lứa tuổi và giới tính. Trong thời gian kinh nguyệt ra máu nhiều, chị em cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất, qua đó sẽ làm giảm đi cảm giác mệt mỏi. Chỉ nên bổ sung sắt khi mình thiếu sắt thật sự, nếu tự ý bổ sung sắt trong khi cơ thể không cần thiếu sắt, có thể dẫn tới các hậu quả như khó chịu vùng thượng vị, táo bón, buồn nôn, nôn, đau bụng, ngất xỉu. Thêm vào đó, nếu bổ sung sắt quá nhiều có thể làm tổn thương gan, thận gây ra các bệnh lý trên cơ quan này...
Nghiên cứu cho thấy có tới 5% phụ nữ bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt dễ bị mất sắt gây thiếu máu. Điều nên làm là ăn thực phẩm giàu sắt trong khi đang có kinh nguyệt, một số có thể cần uống bổ sung viên sắt nếu tình trạng thiếu máu nặng. Tuy nhiên hầu hết mọi người chỉ cần bổ sung thêm sắt vào chế độ ăn uống khi đang trong kỳ kinh nguyệt là đủ.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Fran Haydanek, thành viên của Học viện Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt đều cần nhiều sắt hơn một chút so với những người không có kinh nguyệt vì mất một lượng máu mỗi tháng. Do đó nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt hơn trong kỳ kinh nguyệt. Sắt có trong nhiều loại thực phẩm chúng ta thường ăn như:
- Thịt (đặc biệt là thịt bò nhưng thịt lợn và thịt gia cầm cũng có sắt).
- Trứng.
- Các loại đậu.
- Hải sản.
- Các loại hạt.
- Rau (rau lá có màu xanh đậm).
- Các sản phẩm ngũ cốc bổ sung sắt.
- Quả chà là, nho khô, mận khô và một số loại trái cây sấy khô khác…
Lưu ý: Để sắt hấp thụ được tốt nhất, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, chuối, xoài... vì vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể. Nên ăn các thực phẩm chứa vitamin B6 như: Thịt gà, khoai tây, chuối, phô mai tươi, bí đỏ, cải bó xôi, các loại hạt sấy khô… vì vitamin B6 rất cần thiết để xây dựng các tế bào hồng cầu mới, giúp bổ sung tế bào hồng cầu bị mất khi rong kinh. Ngoài ra, các nguồn thực phẩm động vật (giàu sắt heme là dạng sắt tốt nhất) sẽ được cơ thể dễ dàng hấp thụ bao gồm các loại thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gan, cá, trai, sò…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại?