Phụ nữ chịu tác động nặng nề hơn trong 100 ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19

10-04-2020 14:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa công bố Báo cáo “100 ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở châu Á và Thái Bình Dương: Một góc nhìn về Giới”. Báo cáo chỉ rõ bức tranh các tác động kinh tế - xã hội bởi dịch bệnh theo góc độ giới và đưa ra các đề xuất ban đầu và tiềm năng nhằm giảm thiểu các tác động đối với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm yếu tế khác trong khu vực.

Theo báo cáo của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), sự bất bình đẳng về giới và xã hội vốn đã hiện hữu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch COVID-19 nay càng trầm trọng thêm, khiến cho tình hình khó khăn của nhiều phụ nữ và trẻ em gái trở nên tồi tệ.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu trước mắt của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch, bao gồm những nhu cầu của nữ nhân viên y tế và những người sống sót sau bạo lực giới, cũng như tác động trực tiếp liên quan đến công việc chăm sóc không lương, sức khoẻ sinh sản và tình dục của phụ nữ và trẻ em gái, sự gián đoạn trong tiếp cận giáo dục và tính bất bình đẳng trong truy cập thông tin.

Ông Mohammad Naciri - Giám đốc UN Women khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho biết: Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực chịu nhiều thảm hoạ thiên tai nhất trên thế giới. Tác động về giới của các thảm họa bên lề trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể được dự đoán. Ví dụ, tình trạng hạn hán ở sông Mê Kông kết hợp với nhu cầu vệ sinh ngày càng tăng như rửa tay để phòng chống dịch bệnh có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể của gánh nặng công việc chăm sóc không lương của phụ nữ - những người có trách nhiệm chính trong việc lấy nước sử dụng cho gia đình”.

Nữ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Viện truyền nhiễm Bamrasnaradura, Nonthaburi, Bộ Y tế Thái Lan. Ảnh: UN Women / Pathumporn Thongking.

 

“Các nỗ lực ứng phó và phục hồi phải đặt nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm và bám sát vào thực tế kinh tế-xã hội mà họ phải đối mặt" - ông Mohammad Naciri nói thêm.

Báo cáo “100 ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở châu Á và Thái Bình Dương: Một góc nhìn về Giới” thảo luận về các tác động và hướng đi tiềm năng về nhiều vấn đề bao gồm phụ nữ, hòa bình và an ninh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh các nhu cầu cụ thể của các nhóm bị thiệt thòi và thiếu quan tâm bao gồm người tị nạn, phụ nữ khuyết tật, người đồng tính nói chung và phụ nữ sống chung với HIV.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lăng kính giới trong cuộc khủng hoảng này cho phép chúng ta nâng cao chất lượng công việc và chuyên môn sẵn có - từ tái xây dựng trong thảm họa đến kiến tạo lại hòa bình - để đảm bảo rằng thế giới hậu COVID-19 được thiết lập dựa trên các nguyên tắc về quyền con người và bình đẳng giới.

UN Women là cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là tổ chức toàn cầu về phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức được thành lập vào năm 2010 để thúc đẩy tiến bộ về quyền của phụ nữ trên toàn thế giới. Những nỗ lực của UN Women dựa trên niềm tin cơ bản rằng mọi phụ nữ đều có quyền sống một cuộc sống không có bạo lực, nghèo đói và phân biệt đối xử, và bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển toàn cầu.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn