Mặc dù mùi hương và dịch tiết âm đạo có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng nhận biết sự bất thường của mùi hoặc lượng dịch tiết âm đạo để có cách xử trí kịp thời là điều rất cần thiết với nữ giới.
Ví dụ khi phụ nữ bị ngứa môi âm hộ dai dẳng hoặc khí hư có mùi khó chịu, thì đó là lúc nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được chẩn đoán. Dưới đây là cách nhận biết một số dấu hiệu tiềm ẩn mà âm đạo "cảnh báo":
1. Âm đạo bị ngứa
Thỉnh thoảng bị ngứa ở khu vực tam giác là một chuyện bình thường nếu chúng ta đổ mồ hôi nhiều sau tập thể dục. Nhưng âm đạo hoặc âm hộ bị ngứa dai dẳng là dấu hiệu cho thấy có điều không ổn trong tình trạng sức khỏe âm đạo. Mặc dù cảm giác muốn gãi có thể chỉ đơn giản là do phản ứng dị ứng với xà phòng hoặc sữa tắm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu dẫn đến các tình trạng như viêm âm đạo do vi khuẩn (xảy ra khi vi khuẩn bình thường trong âm đạo mất cân bằng), một loại nấm men hoặc nhiễm trùng trichomonas lây truyền qua đường tình dục (STI).
Để tìm ra bệnh nhiễm trùng nào là nguyên nhân khiến bạn bị ngứa và cách điều trị phù hợp, bạn sẽ cần một số xét nghiệm đơn giản. Bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng của mình vì để lâu hoặc tự điều trị có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Theo BSCKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Bệnh viêm âm đạo do nấm thường gặp, gây ra nhiều khó khăn và bất tiện cho chị em phụ nữ. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng cũng có thể thường xuyên tái phát hoặc kéo dài. Tuy nhiên, nhiều chị em thường tự ý mua thuốc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc rửa phụ khoa khiến cho tình trạng nhiễm nấm âm đạo bị kéo dài... Do đó, điều nên làm khi có những triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu vùng âm đạo, chị em cần đi khám tại các bệnh viện để được các bác sĩ phụ khoa thăm khám, chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
2. Nhận biết mùi âm đạo bất thường
Tùy thuộc vào thời gian trong tháng, sự lựa chọn quần áo và mức độ đổ mồ hôi của mỗi người thì mùi âm đạo có thể từ nhẹ đến hăng. Nhưng nó sẽ không bao giờ có mùi hôi hoặc khó chịu, vì vậy bất kỳ thay đổi nào cũng không nên bỏ qua.
Chuyên gia sản phụ cho biết đôi khi một mùi khó chịu đó chỉ cần xử lý đơn giản như thay đổi chế độ vệ sinh hoặc chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phức tạp hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng. Các bệnh nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như trichomonas thường là thủ phạm gây ra các vấn đề về mùi.
Cần lưu ý từ việc đơn giản nhất là thay băng vệ sinh, tampon vì quên thay băng vệ sinh khiến vi khuẩn tích tụ và tạo ra mùi hôi thối khó chịu.
3. Kinh nguyệt của bạn không đều
Những lý do như giảm cân, tập thể dục quá sức, căng thẳng kéo dài gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt… Tuy nhiên, nếu đã loại trừ những yếu tố này, hãy xem xét khả năng mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) - là một tình trạng phổ biến, mặc dù chưa được hiểu rõ có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố.
Sự mất cân bằng nội tiết tố tạo ra các vấn đề trong buồng trứng và ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Nếu không rụng trứng đều đặn, phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt đều đặn, ví dụ khiến kinh nguyệt xuất hiện vài tháng một lần hoặc không xuất hiện trong vài tháng, sau đó lại xuất hiện rồi lại ngưng một thời gian.
Các dấu hiệu khác của PCOS bao gồm mụn trứng cá và lông mọc bất thường trên mặt, lưng hoặc ngực. Và khi nội tiết tố bị rối loạn, phụ nữ sẽ khó mang thai hơn, vì vậy các vấn đề về khả năng sinh sản cũng là một dấu hiệu. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 6 đến 12 tháng, thì nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân.
4. Dịch tiết âm đạo thay đổi
Không thể biết chính xác lượng dịch tiết ra bao nhiêu hàng ngày là bình thường đối với phụ nữ. Thực tế là số lượng, tính nhất quán và màu sắc của khí hư rất khác nhau giữa những người có kinh nguyệt. Dịch tiết có thể dày, mỏng, nhão và màu trắng, vàng hoặc xanh, thường không có mùi nhưng có khi có mùi hôi.
Khi có một sự thay đổi rõ rệt về màu sắc, số lượng hoặc mùi cần phải được giải quyết vì sự thay đổi đó có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố, mang thai, mức độ hydrat hóa hoặc nhiễm trùng. Nhất là khi dịch tiết như máu, phân hủy thành màu xanh lục đều cần được xem xét. Sự thay đổi màu sắc cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu.
TS. Nguyễn Mai Hoàng đã từng chia sẻ trên Suckhoedoisong.vn, nếu dịch âm đạo có bất thường kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, sụt cân không giải thích được, mệt mỏi, hay đi tiểu nhiều, chị em nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết từ đó có cơ sở xác định chính xác mắc bệnh gì để đưa ra phương án điều trị.
5. Môi âm hộ trở nên sần sùi
Đôi khi, một nốt sần nhỏ dưới da của âm hộ hoặc âm đạo có thể chỉ đơn giản là một nốt mụn hoặc một tuyến bị tắc do tích tụ chất lỏng. Những tắc nghẽn hoặc u nang này thường tự tan biến dần và biến mất. Nếu u nang kèm theo đau hoặc tiếp tục phát triển, hãy đi khám chuyên khoa sản phụ ngay.
Các vết sưng giống như mụn nhọt hoặc phát ban đỏ sần sùi trên hoặc gần môi âm hộ có thể cho thấy các nang lông bị tắc hoặc bị nhiễm trùng, một tác dụng phụ phổ biến của việc tẩy lông hoặc mặc quần legging tập thể dục thấm mồ hôi trong nhiều giờ liên tục. Chúng cũng có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng, có thể với bột giặt hoặc sữa tắm mới hoặc một loại dung dịch vệ sinh phụ nữ mới dùng.
Bạn cần lưu ý nếu sau một vài tuần, các vết sưng không tự biến mất hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám tư vấn và điều trị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai