Tôi đã hơn 30 tuổi và lại bị quá cân, dù đã lập gia đình hơn 3 năm nhưng vẫn chưa có thai được. Nghe nói bị quá cân và căng thẳng thần kinh sẽ khó mang thai phải không?
(Lâm Vỹ An - Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phụ nữ có cân nặng vượt mức bình thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hoóc-môn sinh dục gây khó mang thai. Theo các nghiên cứu thì phụ nữ càng nặng cân bao nhiêu so với cân nặng chuẩn thì càng giảm bấy nhiêu chức năng buồng trứng.
Một nghiên cứu khác còn cho biết phụ nữ trên 18 tuổi bị béo phì sẽ tăng nguy cơ bị hội chứng buồng trứng đa nang (bệnh lý rối loạn hoóc-môn thường gặp nhất ở phụ nữ tuổi sinh sản và có thể dẫn đến vô sinh) và các vấn đề với thụ thai. Khi phụ nữ gần tuổi mãn kinh (40 - 50 tuổi) thì hoạt động của buồng trứng không tốt cho việc có thai. Thậm chí hàng chục năm trước khi mãn kinh, người phụ nữ cũng có thể giảm khả năng mang thai do rụng trứng không đều và số lượng trứng giảm. Theo các chuyên gia thì phụ nữ khó mang thai khi bước qua tuổi 35, tuy nhiên có một số người vẫn mang thai dù đã hơn 40 tuổi. Ngoài ra, người ta còn ghi nhận phụ nữ có mức stress cao hơn sẽ khó khăn hơn trong việc thụ tinh. Cho nên người ta khuyến cáo phụ nữ muốn có con cần phải điều trị tốt stress. Stress có thể làm thay đổi nồng độ hoóc-môn và chức năng buồng trứng. Bên cạnh đó những vấn đề sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung sẽ ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của phụ nữ. Với bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp thì cũng gây khó khăn trong thụ tinh vì các kháng thể này có thể gây hư hỏng trứng hoặc tấn công tinh trùng của người chồng. Tuy nhiên, thực tế nhiều người bị tình trạng này vẫn mang thai bình thường và sinh con khỏe mạnh.