Chiều cuối năm, gió rét thốc liên hồi, tiếng vó ngựa của anh Phạm Hóa gõ mệt mỏi trên đường nhựa lạnh tanh từ phía Hộ Độ về nhà.
Thả chú ngựa còn đóng xe trên bãi cỏ, tôi và anh vào quán nước làm ngụm rượu quê cho ấm người. “Ngày hôm nay làm được vài cuốc (vài chuyến thồ thuê) chú ạ. Vậy là hôm nay cũng có kha khá tiền để về đưa cho vợ lo việc nhà rồi”, xuýt xoa vì lạnh, anh Hóa khoe với tôi.
Một đời với ngựa
Anh Hóa sinh năm 1968, ở xã Thạch Trung (TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh). Dáng người anh hom hem quá tuổi vì sương gió trên đường đời.
Từ những năm 20 tuổi, anh đã lên phố mua ngựa, đóng xe để thồ hàng thuê. Đến nay, nhà đã có 4 mụn con đang tuổi ăn tuổi học, anh vẫn rong ruổi cùng những chú ngựa trên khắp ngõ ngách thành phố, đến từng đường làng quê.
Ở Hà Tĩnh, cá biệt hơn các tỉnh thành khác trong cả nước, ngựa thồ vẫn đang là phương tiện vận chuyển hữu hiệu được chọn dùng. Ở đây, có hẳn những con phố như phố Nguyễn Du cho cánh ngựa thồ tập trung đợi thuê vận chuyển. So với những người cùng làm nghề này, anh Hóa nằm trong tốp những người có tuổi nghề gắn bó với xe ngựa khá lâu.
“Làm cái nghề nào cũng vậy, cũng có cái cực cái vui. Như bọn anh, vì thiếu cái chữ nên cũng phải chọn cái nghề này mà làm thôi. Nói chung, đến bây giờ vẫn bám trụ được với nó chú ạ”, anh Hóa tâm sự.
Cũng như những việc lao động thủ công khác, nghề ngựa thồ cũng chỉ đủ kiếm sống hằng ngày; vật giá tăng cao, bây giờ mỗi ngày trung bình một xe ngựa thồ kiếm được trung bình khoảng 200 ngàn. “Tính ra, trừ đi tiền để chăm sóc, mua thức ăn cho ngựa, thu nhập của nghề này cũng chẳng thấm vào đâu cả, vừa đủ gom góp để trang trải thôi chú ạ”, anh Hóa tiếp.
Rồi anh cho biết, lấy vợ muộn, nhà hai vợ chồng chỉ có 2 sào đất; cái đói nghèo vẫn đeo bám khi có tới 4 mụn con, đứa lớn năm nay học lớp 11, đứa nhỏ thì đang học mầm non. Thiếu ruộng nên vợ phải ở nhà chạy vạy đủ việc vặt, mình anh rong ruổi với con ngựa từ thời thanh niên cho đến lúc luống tuổi này để kiếm ăn.

“Vậy mà cũng đã phải thay mấy đời ngựa rồi chú ạ, mình gió rét thế nào cũng chịu được nhưng con ngựa thì hạn chế. Đến giờ anh đã thay qua năm con ngựa vì chúng bị cảm và chết. Con ngựa mới này mới mua cách đây một tháng với giá 25 triệu, con ngựa trước bị cảm chết, bán đi chỉ được 6 triệu”.
Vui buồn cùng ngựa
Với anh Hóa và những người đang làm nghề ngựa thồ ở Hà Tĩnh nghèo này thì bây giờ nó đã như cái nghiệp rồi. Những phận nghèo gắn bó với những chú ngựa để nuôi lấy nhau.
“Nuôi mấy đứa con ăn học, lo việc nhà việc xóm cũng nhờ vào nó cả đó chú ạ”, nhìn chú ngựa đang hí hoáy gặm cỏ, anh Hóa kể. Rồi anh tính, đứa con đầu năm nay đã học lớp 11, hai ba năm nữa nếu nó học lên cao thì cũng chỉ nhờ vào những chuyến thồ này. “Mong sao nó học cho được, nó không học được thì nó khổ, mà nó học được thì anh với con ngựa khổ thêm tí thôi”, anh Hóa nói với ánh mắt không giấu vẻ lạc quan dù những ngày khổ cực trong tương lai vẫn còn rất nặng nề với người đàn ông này.
Rồi anh tiếp, lận đận với con ngựa nhiều, nhưng rồi cũng không thể bỏ được. Có nhiều lúc nghĩ bán ngựa đi ở nhà tìm nghề khác làm nhưng rồi lại thôi. Lên phố xuống làng với mấy anh em quen rồi, ở nhà lại thấy thiếu thiếu. Cùng làng với anh Hóa, ông Cường năm nay đã gần 60 nhưng vẫn ngày ngày dong xe đi làm cùng đám trai trẻ. Cạnh đó, ông Lĩnh đã có 25 năm nghề nhưng vẫn chưa “giải nghệ”. Niềm vui của họ là mỗi ngày có được vài chuyến thuê, lúc nhàn rỗi thì tụ tập trên phố Nguyễn Du uống ly nước chè xanh, hút điếu thuốc lào và nhìn xã hội đang vận động.
Ở xã Thạch Trung hiện có khoảng 30 con ngựa; xã Thạch Hạ cạnh đó có khoảng 35 con. Đây là lực lượng vận chuyển chủ yếu tại thành phố Hà Tĩnh. “Xe ngựa nhỏ có thể luồn vào các ngõ hẻm được, với lại chở ít hay nhiều cũng kham được nên người ta vẫn cần. Chiếc xe của tui từng chở vật liệu để xây nhà của mấy ông làm to trong thành phố ấy chứ”, người đàn ông kể với một ánh mắt vui tươi.
Nhưng rồi, tôi cũng hiểu rằng, có không ít những vất vả, phiền toái khi những phương tiện thô sơ nhất này vẫn ngày ngày bám trụ kiếm sống ở chốn phố thị. Vì lẽ đương nhiên, phố thị là nơi cần gọn ghẽ, sạch sẽ và quy củ, nên sẽ không ít lần những người làm nghề này bị bắt phạt hoặc nhắc nhở về việc cho ngựa lưu thông, đậu ở vỉa hè… Nhưng cũng phải tính rằng, khi nhu cầu đang cần, những chuyến thồ ngựa đang được chấp nhận thì mong các cơ quan chức năng hãy thông cảm cho những phận người, phận ngựa nghèo này. Vì họ đang mưu sinh một cách nghiêm túc và sạch sẽ.
Nhắc đến chuyện này, anh Hóa chỉ cười: “Biết vậy nên mình và những người khác cũng ý thức lắm, quan trọng là mình làm cho đúng cách, còn lúc bị phạt này nọ thì cũng nhẫn nhịn mà chấp nhận thôi”.
Và anh kể đến những chuyện thật mà như đùa rằng, xe ngựa luôn được làm sẵn một bì phía sau ngựa để hứng phân nhưng có những lúc phân ngựa văng ra đường thì chủ nào cũng phải xuống hốt mà bỏ vào cho sạch sẽ. “Nghĩ nó cũng sướng, ỉa bậy mà được chủ hốt phân cho. Bàn tay tui giờ nhiều khi còn thoang thoảng mùi phân ngựa ấy chứ”, nhấp một ngụm rượu, anh Hóa cười khoái trá.
Sau Noel, trời miền Bắc lạnh và buốt hơn. Chú ngựa chừng đã run vì lạnh. Vỗ về nó, anh Hóa thủ thỉ: “Con ngựa rứa chứ đáng thương lắm, nó làm cật lực hơn cả trâu bò; mùa vụ thì ra đồng cày ruộng, nông nhàn lại đóng ách chạy xe. Nhưng biết làm sao được, người và ngựa cứ phải bám vào nhau mà sống thôi”.
Rồi anh thắng lại ách, chuẩn bị dong ngựa về phía thôn làng đã mù mịt tối vì sương mờ. “Cha ông nói: “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”; nhiều khi mình đi làm về mệt, cứ nằm trên xe, nó cứ theo đường cũ mà chạy về nhà yên bình, đời có khi thong dong rứa đó chú”, vỗ nhẹ chú ngựa, anh Hóa chào về một cách thật thoải mái. Ở đó, vợ và 4 đứa con anh đang trông chờ người bố về ăn cơm tối sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Ngày mai, anh và những người khác sẽ lại tiếp tục dong ngựa trên đường đời để mưu sinh. Mong rằng, năm con Ngựa sắp đến, họ sẽ có thật nhiều chuyến thồ; để nuôi gia đình, để nuôi con ăn học. Và mong rằng, những phiền toái sẽ không chen được vào nhiều với những phút giây yêu đời của những người lao động chân chính!
THẠCH CHÂU